Số liệu từ Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được báo chí dẫn lại cho biết giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện ở mức thấp. Quy mô giao dịch vàng miếng mỗi ngày thời gian gần đây bình quân chỉ đạt khoảng 10.000 lượng, giảm tới 75% so với đầu năm 2013.
Đặc biệt, lượng vàng gửi dưới dạng giữ hộ tại các tổ chức tín dụng đã giảm rất mạnh. Tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 lên tới khoảng 160 tấn nhưng đến nay đã chỉ còn lại khoảng 2,86 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.
Gửi vàng vừa mất tiền vừa bất tiện
Vậy khi rút khỏi các ngân hàng, số vàng trên chảy đi đâu? Theo lý giải từ Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, xu hướng sụt giảm trên chủ yếu là vốn vàng trong dân cư đã chuyển hóa mạnh thành tiền đồng Việt Nam để đưa vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Dưới góc nhìn của người kinh doanh, ông Nguyễn Văn Chính, chủ một cơ sở buôn bán vàng tại quận 2, TP.HCM, nhận định việc người dân rút vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng là điều dễ hiểu. Bởi từ năm 2013, NHNN đã chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Từ thời điểm trên lượng vàng người dân gửi tại các ngân hàng chỉ ở dưới dạng giữ hộ, người gửi vàng không được hưởng lãi suất mà còn tốn phí gửi vàng.
“Thực tế chỉ có những người có vàng ít, giữ vàng theo kiểu bỏ ống heo thì mới chọn cách gửi trong ngân hàng. Đối với những người mua vàng để đầu tư, kinh doanh thì chẳng ai gửi vàng trong trường hợp này” – ông Chính phân tích.
Bà Trần Thị Hằng, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, trước đây thường gửi vàng tại ngân hàng nhưng giờ đây không còn gửi nữa vì tốn phí. “Đó là chưa kể dù chấp nhận bị mất phí để gửi vàng vào ngân hàng nhưng muốn rút vàng rất nhiêu khê. Gửi vàng ở chi nhánh nào thì phải rút ở chi nhánh đó, đồng thời phải báo trước thời điểm nhận ít nhất là nửa ngày đến một ngày. Thế nên có những thời điểm giá vàng tăng cao, muốn rút ra để chốt lời ngay nhưng không được, đành vuột mất cơ hội” – bà Hằng chia sẻ.
Người dân đang mua bán vàng tại một cửa hàng vàng bạc ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lỗ nặng
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng hiện nay chưa có thống kê chính xác nào về việc số vàng người dân rút ra khỏi hệ thống ngân hàng thì dùng cụ thể vào việc gì. Tuy nhiên, chắc chắn một điều không ai khi rút một lượng vàng lớn ra khỏi ngân hàng (ví dụ vài chục lượng vàng) rồi chuyển về cất vào két sắt, cất giấu dưới gầm giường cả.
“Họ sẽ dịch chuyển số vàng đó thành tiền, sau đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đôla…” – TS Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng, phân tích những người có nhiều vàng sau khi bán đi lấy tiền đã bỏ vốn vào đầu tư theo nhiều kênh như đôla, bất động sản, chứng khoán hoặc bán vàng lấy tiền cho vay, kinh doanh.
Bởi nếu một nhà đầu tư vàng mà găm giữ vàng trong suốt năm năm qua thì lỗ là cái chắc. Nhìn vào lịch sử giá vàng thấy điều này thể hiện rất rõ: Giá vàng thời điểm năm 2012 là 48 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến 50 triệu đồng nhưng đến nay giảm chỉ còn dưới 37 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, nhiều kênh đầu tư khác lại sinh lời khá tốt. Chẳng hạn tỉ giá đôla năm 2012 ở quanh mức 21.300 VND/USD, đến nay khoảng 22.760 VND/USD. Trong vòng năm năm qua, giá đất nền ở quận 2, quận 9 có nơi tăng đến 300%. Tương tự, chỉ số VN-Index năm 2012 là 300 điểm, đến nay đã tăng lên 800 điểm, tức nếu đầu tư vào thị trường chứng khoán thì ít nhất nhà đầu tư cũng có thể sinh lời trên 150%.
“Nhìn chung chỉ tính riêng trong bốn kênh đầu tư là vàng, đôla, bất động sản và chứng khoán thì đôla có lời ít nhất nhưng vẫn còn hơn vàng. Rõ ràng nếu mua vàng ở mức kỷ lục gần 50 triệu đồng/lượng mà đến nay vẫn kiên quyết giữ vàng thì nhà đầu tư đã lỗ nặng” – ông Vũ nhấn mạnh.
Huy động vàng không dễ
Tuy sau khi rút từ ngân hàng về, nhiều người đã đầu tư vào lĩnh vực khác nhưng nhiều chuyên gia nhận định số vàng giữ trong két sắt của người dân vẫn rất lớn. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ước tính lượng vàng trong dân còn rất lớn, khoảng 500 tấn (13,3 triệu lượng, tương đương trên 20 tỉ USD). Chính vì vậy hiệp hội này đã kiến nghị NHNN thành lập sở giao dịch vàng quốc gia; phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân nhằm đỡ lãng phí khoản vàng này.
Mới đây Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống đốc NHNN tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.
Nhiều chuyên gia và giới kinh doanh nhận định đây là chủ trương đúng để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế nhưng để huy động được nguồn lực này từ dân không dễ. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người dân giữ vàng, USD là do lo ngại sự mất giá của đồng tiền nội tệ.
Do vậy muốn huy động vàng từ dân, để dân không đem số vàng chắt chiu được cất dưới gầm giường thì phải để họ yên tâm vào đồng tiền nội tệ. Khi họ tin tưởng hơn, họ sẽ bán vàng lấy tiền gửi vào ngân hàng để hưởng lãi hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó cần xem xét tới việc nâng lãi suất tiền gửi USD và vàng. Bởi theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế: “Người dân gửi vàng mà không có lãi suất, thậm chí lãi suất âm vì tốn phí thì không ai còn hào hứng nữa”. Đặc biệt, để huy động được nguồn lực này cần áp dụng nguyên tắc thị trường thay vì sử dụng các biện pháp mang tính hành chính, tức phải tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi để người dân tin tưởng hơn mà bỏ tiền ra làm ăn.
Thuê két sắt giữ vàng
Hiện nay nhiều ngân hàng không có dịch vụ giữ hộ vàng nhưng mở dịch vụ cho thuê két sắt. Theo đó, khách hàng nếu muốn gửi vàng vào và rút ra bất cứ lúc nào có thể chọn hình thức thuê két sắt để cất giữ tài sản của mình với mức phí khoảng 150.000 đồng/tháng cho loại két nhỏ và 280.000 đồng/tháng cho loại két lớn.
Tuy nhiên, thuê két sắt thì ngoài tiền phí cao, khách hàng còn phải có một khoản ký quỹ là 1,5 triệu đồng.
Trong những năm qua, chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng. Người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa, chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực nhưng làm sao đảm bảo ổn định.
Thống đốc NHNNLÊ MINH HƯNG