Đầu những năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng ký Nghị định 109 bỏ hầu hết điều kiện kinh doanh, nhất là đối với ngành giao thông vận tải. Đó là bước tiến cải cách vô cùng lớn, tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp (DN). Thế nhưng sau đó các điều kiện kinh doanh quay trở lại và cho đến nay điều kiện kinh doanh, giấy phép con… mọc như nấm.
Tạo bước đột phá về tư duy quản lý
Câu chuyện trên được TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ tại tọa đàm: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho DN” do Chinhphu.vn tổ chức ngày 22-11.
Theo đó, ngày 20-9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành quyết định cắt giảm khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện nay của ngành này. Các lĩnh vực có số lượng điều kiện cắt giảm lớn như khí hóa lỏng, xăng dầu, gạo, an toàn thực phẩm, bia, rượu, điện lực…
Hoan nghênh tinh thần đổi mới tư duy quản lý của lãnh đạo Bộ Công Thương, TS Nguyễn Đình Cung cho biết chính ông và các cộng sự đã rà soát lại danh mục các điều kiện cắt giảm mà Bộ Công Thương công bố và con số 675 điều kiện mà bộ này đưa ra là chính xác.
Hạt gạo xuất khẩu hiện nay vẫn còn vướng nhiều loại giấy phép con, thủ tục rối rắm cần được loại bỏ. Ảnh: QUANG HUY
“Giảm điều kiện kinh doanh cũng là giảm yêu cầu vốn đầu tư ban đầu của DN. DN có điều kiện để tập trung vào chuyện kinh doanh thay vì mất thời gian đi lo thủ tục xin giấy phép. Tôi nghĩ rằng cắt giảm như thế này đã giảm dư địa hành DN. Hy vọng với đà này, các bộ ngành khác cũng phải thực hiện như Bộ Công Thương. Đây là sự thay đổi rất lớn và nếu bộ nào cũng làm sẽ tạo bước đột phá” – ông Cung nhận xét.
Tuy nhiên, ông Cung cũng lo ngại trong quá trình thực hiện có thể xảy ra tình trạng tái lập các điều kiện kinh doanh và nguy cơ “mọc thêm” các điều kiện mới. “Nguyên nhân là do trong suốt quá trình khi bỏ các giấy phép con, cơ quan quản lý vẫn mang tư duy và cách thức quản lý tiền kiểm. Ví dụ khi xuất hiện một loại hình kinh doanh mới, lập tức có nhu cầu quản lý. Chính tư duy tiền kiểm nên luôn nghĩ đến điều kiện kinh doanh. Nếu bỏ đi mà không có phương thức quản lý mới thì một vài sự việc xảy ra, người ta bắt đầu phục hồi lại các điều kiện cũ” – TS Cung phân tích.
Nguy cơ cố tình gây ra thất bại
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng cần chuyển qua quản lý theo tư duy hậu kiểm dựa trên những tiêu chuẩn, quy chuẩn.
“Trước đây, đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý đặt ra các điều kiện về cơ sở vật chất, vị trí, DN mời cơ quan chức năng đến kiểm tra, nếu thấy đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay thay vì DN đến xin giấy phép thì họ chỉ cần làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra đột xuất trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu DN không tuân thủ quy chuẩn sẽ bị xử lý theo chế tài quy định” – Thứ trưởng Khánh chia sẻ.
Không phải chứng minh điều gì với Bộ
Điều mong muốn của Bộ Công Thương là DN bước chân vào kinh doanh mà không phải chứng minh bất kỳ điều khoản nào với cơ quan nào. Bộ Công Thương muốn DN phải tự chịu trách nhiệm, bởi tư duy như vậy là trao quyền tự quyết cho người dân, để người dân mạnh dạn kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương TRẦN QUỐC KHÁNH
Ông Khánh cho biết thêm các bộ, ngành trung ương không thể có đủ lực lượng quản lý 63 tỉnh, TP mà từng địa phương phải chủ động vào cuộc kiểm tra, chuyển đổi từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này vừa đảm bảo quản lý nhà nước và chi phí tuân thủ quy định ở mức chấp nhận được.
“Trước đây, địa phương yên tâm vì DN kinh doanh là được Bộ cấp giấy phép rồi. Bây giờ cần thay đổi tư duy đó, Bộ không cấp giấy phép kinh doanh ban đầu nữa mà địa phương phải là nơi kiểm soát xem DN có đáp ứng được không. Đương nhiên, các bộ sẽ đồng hành với địa phương” – Thứ trưởng Khánh nói.
Tán đồng với phương án hậu kiểm nhưng TS Nguyễn Đình Cung lưu ý công chức quản lý nhà nước địa phương có thể chưa hiểu hết bởi thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là thay đổi về bản chất. “Đặc biệt tôi sợ nguy cơ xảy ra tình trạng trước sự thay đổi thì một số người lo mất quyền lợi. Thông thường họ sẽ có phản ứng chống lại và xảy ra thất bại hoặc cố tình gây ra thất bại. Rồi xu hướng ban hành điều kiện kinh doanh sẽ trở lại” – ông Cung cảnh báo.
Xuất gạo sang Singapore vẫn đang phải… quá giang
Dự thảo nghị định mới nhất thay thế Nghị định 109 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 8-2017 đã có hàng loạt đổi mới mạnh mẽ. Ví dụ bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định giá sàn gạo xuất khẩu; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam… Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu gạo cho biết cho đến thời điểm này họ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về sự thay đổi trên và đang gặp khó.
DN tư nhân Cỏ May cho hay vẫn đang phải xuất khẩu bằng cách ủy thác cho một DN khác có giấy phép xuất khẩu. Nguyên nhân phải xuất khẩu ủy thác do không thể đủ sức để đáp ứng rất nhiều điều kiện bất hợp lý tại Nghị định 109.
“Hiện gạo của chúng tôi xuất khẩu sang Singapore đã có thương hiệu, tạo được uy tín tại thị trường cao cấp này. Do vậy giá gạo thơm bán sang siêu thị Singapore có giá cao hơn 1.000 USD/tấn, trong khi các DN khác bán sang các thị trường khác cũng chỉ 500-600 USD/tấn, giá gạo trắng còn thấp hơn. Chúng tôi đang đàm phán với nhà bán lẻ của Mỹ là Walmart. Nếu được cởi trói, bỏ các thủ tục rối rắm về giấy phép xuất khẩu thì chúng tôi có nhiều lợi thế cạnh tranh” – vị đại diện DN này chia sẻ.