Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 4 và cả năm 2017

Đầu tiên phải kể đến khoản lỗ lớn của Đầu tư Cao su Quảng Nam (VHG) với con số thua lỗ vượt xa tưởng tượng. Dẫu đặt kế hoạch 2017 sẽ lỗ ròng 200 tỷ đồng và lỗ 9 tháng đã là 283 tỷ đồng, vượt 41,5% dự báo thì con số lỗ trong quý 4 vẫn không khỏi khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng – gần 869 tỷ đồng – “Thành tích” này không chỉ khiến VHG giữ quán quân lỗ quý 4 mà còn là quán quân lỗ của cả năm 2017 luôn. Riêng quý 4, VHG không ghi nhận một đồng doanh thu nào trong đó chi phí tài chính đội lên gần 842 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến VHG lỗ ròng quý 4 gần 869 tỷ đồng cao hơn rất nhiều so với con số lỗ hơn 13 tỷ đồng cùng kỳ 2016.

Khoản lỗ lớn trong quý 4 đã khiến cho bức tranh lợi nhuận cả năm của Đầu tư Cao su Quảng Nam hết sức bi đát khi doanh thu vỏn vẹn 16 tỷ đồng chỉ bằng 1,3% doanh thu của năm 2016 (1.164 tỷ đồng), LNST công ty mẹ âm tới 1.152 tỷ đồng cao gấp nhiều lần khoản lỗ 32,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp theo là cặp anh em OGC và OCH, trong kỳ, Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group (OGC) phải tiếp tục trích lập thêm các khoản công nợ quá hạn dẫn đến phải chịu lỗ 212 tỷ đồng trong quý 4/2017. Cũng bởi chi phí quản lý ở mức cao mà OGC tiếp tục chịu lỗ thêm gần 466 tỷ đồng trong năm 2017, ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp thua lỗ. Kết quả này nâng lỗ lũy kế của OGC tại thời điểm cuối năm 2017 lên gần 2.872 tỷ đồng, sắp vượt qua vốn điều lệ thực góp là 3.000 tỷ đồng. Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) cũng đã báo lỗ gần 40 tỷ đồng trong quý 4 khiến cả năm doanh nghiệp này lỗ gần 6 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của OCH là lãi 28 tỷ đồng.

Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) báo lỗ gần 178 tỷ đồng trong quý 4 cao hơn rất nhiều so với con số lỗ hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên nhân thua lỗ là do trong kỳ công ty chịu lỗ từ chuyển nhượng công ty con là 225,5 tỷ đồng, lỗ thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết gần 28 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2017, NVT lỗ ròng 479 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 2,4 tỷ đồng.

Xuất Nhập khẩu Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, TH1) – công ty do ông Trần Anh Vương – một nhân vật khá đình đám trên sóng Shark Tank Việt Nam thời gian gầy đây – làm Chủ tịch HĐQT đã công bố con số thua lỗ gây thất vọng khi quý 4 lỗ gần 137 tỷ đồngm cả năm 2017 lỗ 142 tỷ đồng, trong khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 đặt mục tiêu chỉ lỗ hơn 10 tỷ đồng trong năm. Đây là năm báo lỗ thứ 3 liên tiếp của TH1, như vậy hiện Công ty này đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 4 và cả năm 2017 - Ảnh 1.

Văn hóa Phương Nam (PNC) báo lỗ quý 4/2017 là 66,7 tỷ đồng cao hơn nhiều so với khoản lỗ 14,3 tỷ đồng cùng kỳ 2016, nguyên nhân thua lỗ là do lợi nhuận của Công ty CJ CGV VN giảm trong quý 4 và ghi nhận khoản lỗ từ công ty MEGA Phương Nam, cả năm PNC lỗ ròng hơn 66 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng.

2 công ty của Bầu Đức là HAG và HNG cũng có mặt trong danh sách lỗ quý 4, trong đó Hoàng Anh Gia Lai (HAG) báo lỗ hơn 58 tỷ đồng thấp hơn con số lỗ 674 tỷ của cùng kỳ 2016. Lũy kế cả năm 2017, HAG lãi ròng 629 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so mức lỗ 1.569 tỷ đồng của năm trước và vượt tới 91% kế hoạch cả năm 2017. Đối với HAGL Agrico (HNG) trong quý IV do gánh nặng chi phí lãi vay cùng với các khoản lỗ khác 136 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận khoản lỗ ròng gần 50 tỷ đồng, đây là mức lỗ thấp hơn nhiều so với khoản lỗ 1.093 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. HAGL Agrico ghi nhận mức lãi ròng 927 tỷ đồng cho cả năm 2017.

Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) hiện chưa công bố báo cáo hợp nhất, theo báo cáo riêng thì quý 4 QBS mẹ lỗ gần 52 tỷ đồng nguyên nhân là do các khoản chi phí tăng cao, đặc biệt chi phí tài chính lên tới gần 94 tỷ đồng trong đó có khoản trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào DAP – Vinachem số tiền gần 39 tỷ đồng.

Lộ diện những khoản lỗ lớn nhất quý 4 và cả năm 2017 - Ảnh 2.

Bài viết mới