Tính đến thời điểm này đã có khoảng gần 80 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý 3/2017 và đây là những doanh nghiệp hiện đang dẫn đầu danh sách này.
Quán quân CMISTONE Việt Nam (CMI)
CMISTONE Việt Nam đã công bố lỗ tới 109 tỷ đồng trong quý 3 và hiện đã trở thành quán quân lỗ tính đến thời điểm này trên sàn niêm yết. Nguyên nhân thua lỗ của CMI cũng khá khác biệt so với các khoản lỗ của các doanh nghiệp khác đó là do công ty này phải khắc phục hậu quả của các kỳ kế toán trước.
Cụ thể do các kỳ kế toán trước công ty chưa thực hiện công tác phân tích khả năng thu hồi công nợ và hạch toán trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi theo quy định. Công ty cũng chưa thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá chất lượng hàng tồn kho, phân tích đánh giá lại các khoản đầu tư XDCB dở dang và TSCĐ về hiện trạng, khả năng thực hiện để hạch toán trích lập dự phòng theo quy định.
Thực tế có nhiều khoản công nợ phải thu không thể thu hồi được, đã quá hạn rất dài, các khoản hàng tồn kho đã xuất dùng hoặc không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn còn trên sổ sách, các khoản đầu tư không thể thực hiện được tiếp, một số tài sản cố định đã bị ngân hàng và đối tác siết nợ nhưng chưa giảm tài sản. Kết quả là trong quý 3/2017 CMI phải trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng cho các khoản mục trên.
Ông lớn CII bất ngờ lọt danh sách lỗ quý 3
Sau giai đoạn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi công bố khoản lỗ 66 tỷ đồng trong quý 3/2017. Nguyên nhân là trong kỳ này, CII cho biết công ty đã không còn ghi nhận các khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng cổ phần, ghi nhận lợi nhuận từ đánh giá lại tài sản.
Tuy nhiên CII cho biết khoản lỗ trong quý III nằm trong kế hoạch của công ty nhằm mục đích không tạo ra sự biến động lợi nhuận quá lớn giữa năm 2016 và năm 2018 so với năm 2017. Dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, CII vẫn ghi nhận khoản doanh thu thuần đạt 1.416 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.510 tỷ đồng, tăng lần lượt 69% và 97% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp lỗ do gặp khó khăn kéo dài
Bốn năm kể từ khi đề án tái cấu trúc đầu tiên được thông qua, bức tranh tài chính, kinh doanh của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) vẫn bề bộn. Trong khi đó, có thêm một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng công ty bị khởi tố, khiến gánh nặng “thế hệ trước” chưa vơi trên vai doanh nghiệp. Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã tiếp tục báo lỗ ròng thêm 33 tỷ đồng trong quý 3 khiến bức tranh 9 tháng vô cùng ảm đảm với khoản lỗ hơn 32,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt gần 269 tỷ đồng.
Hiện PVX vẫn chưa thể tổ chức được ĐHĐCĐ 2017, công ty mới có công văn gia hạn xin tổ chức đại hội này đến trước 31/12/2017. Từ vị thế doanh nghiệp hàng đầu ngành xây lắp dầu khí trên bờ của Việt Nam, với những công trình, dự án nghìn tỷ từ nhiệt điện, tổng kho LPG đến thi công giàn khoan, lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng/năm, chỉ sau 2 năm thua lỗ đột biến 2012 – 2013, lỗ lũy kế của PVX đã tăng mạnh hiện đã tiến sát 3.000 tỷ đồng, tương đương gần 75% vốn điều lệ.
Hay như trường hợp của VOSCO, được thị trường ví von là “càng xoay sở càng khó”, quý 3 doanh nghiệp này báo lỗ thêm 58,8 tỷ đồng, nâng mức lỗ 9 tháng lên thành 231 tỷ đồng – Đây đã là quý thứ 11 liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ. Tính đến cuối quý 3 lỗ lũy kế của Công ty là 1.033 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu còn 396 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu 1.400 tỷ đồng. Công ty cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí, nhưng do lượng cung tàu vẫn tăng làm cho giá cước tiếp tục duy trì ở mức yếu trong khi giá nhiên liệu tăng mạnh, kết quả chung là Công ty vẫn lỗ.
Quốc tế Hoàng Gia (RIC) báo lỗ ròng hơn 69 tỷ đồng trong quý 3/2017 cao hơn rất nhiều con số lỗ 3,2 tỷ đồng cùng kỳ – Đây cũng là con số thua lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết của RIC. Theo giải trình từ phía công ty doanh thu sụt giảm là do hai đại lý lớn là Đại lý Long bay và Tập đoàn giải trí Kim Long đã thu hẹp kinh doanh vì vậy lượng khách đến công ty chơi bài giảm mạnh nên doanh thu CLB giảm. Mặt khác do từ cuối năm 2016 trên địa bàn thành phố Hạ Long có thêm 02 doanh nghiệp kinh doanh múa rối nước nên giữa tháng 7/2017 công ty đã dừng kinh doanh hoạt động này làm cho doanh thu của công ty giảm. Với cả 3 quý kinh doanh thua lỗ, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 RIC lỗ ròng 101,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 24,4 tỷ đồng.
Bao bì dầu thực vật (VPK) cũng đã báo lỗ thêm quý thứ 4 với hơn 12 tỷ đồng trong quý 3/2017. Nguyên nhân được đưa ra là do công ty chịu cạnh tranh gay gắt và quyết liệt, tốc độ tăng giá nguyên vật liệu chính là giấy cuộn và các chi phí đầu vào khác tăng trong khi giá bán ổn định hoặc tăng nhẹ để giữ thị phần. Ngoài ra chi phí lãi vay ngắn hạn tăng do tích lũy vốn đối ứng 30% tham gia vào đầu tư Dự án Nhà máy bao bì carton KCN Nam Tân Uyên – Bình Dương. Trong kỳ còn phát sinh tăng chi phí khấu hao và lãi vay dài hạn của dự án nhà máy bao bì Bình Dương khi đi vào hoạt động…
Hai trường hợp đã đổi tên doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đổi được vận là S99 và PVV, từ cái tên Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC đã đổi thành Công ty cổ phần Vinaconex 39, hậu đổi tên PVV vẫn báo lỗ hơn 18 tỷ đồng trong quý 3 – Ghi nhận quý kinh doanh thứ 7 liên tiếp không có lãi. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 công ty lỗ ròng hơn 28 tỷ đồng. Hay như S99 đã đổi từ Công ty cổ phần Sông Đà 909 sang thành CTCP SCI, S99 đã lỗ ròng hơn 14 tỷ đồng trong quý 3 khiến 9 tháng lỗ 10,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 16,3 tỷ đồng.
Sẽ có những cuộc chia tay
Đầu tiên phải kể đến trường hợp của Xi măng Sài Sơn (SCJ), doanh nghiệp này đã lỗ 2 năm liên tiếp 2015, 2016 và tiếp tục đặt mục tiêu lỗ hơn 32 tỷ đồng trong năm 2017 và hiện kết thúc 9 tháng SCJ cũng đã báo lỗ tới 38 tỷ đồng theo đó khả năng cao là SCJ sẽ rời sàn do lỗ 3 năm liên tiếp.
Tiếp theo là trường hợp của VOSCO, doanh nghiệp này cũng đã báo lỗ trong 2 năm 2015, 2016 và đặt mục tiêu giảm lỗ tối đa trong năm 2017, tuy nhiên với khoản lỗ hết 9 tháng đã là 231 tỷ đồng thì cơ hội để VOS lật ngược tình thế là khó khả thi đặc biệt trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của công ty chưa có dấu hiệu sáng sủa.