Theo đó, các sản phẩm đất nền, nhà liền kề ở các dự án đều hấp thụ với tỷ lệ 80-85% trong ngày mở bán. Trong đó, phân khúc đất nền khu vực phía nam thành phố được mở bán từ 500 – 1.000 nền đất mỗi tháng của gần 20 dự án. Ở khu vực phía tây bắc thành phố vốn trầm lắng những năm trước thì năm 2017, thị trường đã trở lại, cung cấp từ 2.000 – 3.000 sản phẩm đất nền.
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng với phân khúc condotel đang được ghi nhận phát triển thành công và nở rộ. Cụ thể trong 2 năm gần đây, tốc độ phát triển mạnh hơn cả Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo một báo cáo của CBRE Việt Nam, trong cả năm 2017, nguồn cung condotel ghi nhận 1.426 căn mới được chào bán (chỉ bằng 1/4 so với nguồn cung mới năm 2016), từ dự án Coco Ocean Resort & Spa, Coco Towers, Coco Wonderland (thuộc tổ hợp du lịch giải trí Cocobay), và TMS Luxury, nâng tổng nguồn cung lên 7.675 căn.
Một số dự án đã được chủ đầu tư dời thời gian chào bán dự kiến sang năm 2018 và 2019 nên nguồn cung mới trong 2 năm tiếp theo ước tính khoảng 9.000 căn. CBRE cũng lưu ý rằng, đây là nguồn cung tương lai dự kiến chào bán nên số lượng thực tế có thể thay đổi theo kế hoạch của chủ đầu tư.
Ông Rudolf Hever, Giám đốc Tư vấn quốc tế của Tập đoàn Savills khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Condotel mang đến thời kỳ “vàng” cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng nhờ vào môi trường đầu tư của địa phương ngày một được cải thiện mạnh mẽ. Dự báo thời kỳ vàng này sẽ tiếp tục được kéo dài đến ít nhất 3 năm tới khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước liên tục xuất hiện với các dự án quy mô lớn về vốn đầu tư và số lượng căn hộ”.
Qua tìm hiểu, sau thời gian nhiều dự án ngừng triển khai, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện “làn sóng” đầu tư mới với nhiều dự án đổi chủ. Việc thành phố này vừa thông qua điều chỉnh quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho một số dự án sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư mới triển khai đầu tư xây dựng để xóa dự án đã “treo” nhiều năm nay ở trung tâm thành phố.
Chẳng hạn, Dự án Golden Square có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, do Công ty Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư, đã trải qua một giai đoạn khó khăn về đầu tư xây dựng sau khi được khởi công từ cuối tháng 1/2008. Được biết, dự án vừa được UBND thành phố đồng ý thông qua phương án điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và chấp thuận giao chủ đầu tư mới là tập đoàn Anphanam tiếp tục hoàn thành.
Nhiều khu đất “kim cương” ven biển Đà Nẵng gần đây đã được cắm biển tên Tập đoàn Kim Long Nam và đang được rầm rồ làm hạ tầng. Giới thạo tin bất động sản Đà Nẵng cho rằng doanh nghiệp này còn nắm trong tay nhiều dự án khác tại khu vực miền Trung và TP. HCM.
Mới thành lập năm 2015 với số vốn 100 tỷ đồng, nhưng Kim Long Nam Group đã sở hữu và nhận chuyển nhượng về mình một số dự án đất đắc địa tại Đà Nẵng. Điển hình như dự án Kim Long Nam Season có diện tích hơn 4,2ha bốn mặt tiền đường. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án này toạ lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất Đà Nẵng, một trong những vị trí “kim cương” còn sót lại của thành phố biển này.
Tiếp đó, Kim Long City – Tiểu khu E cũng là một dự án điển hình của Kim Long Nam Group. Dự án có tổng diện tích 145,267m2, giáp với hai trục đường chính là Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan. Bên cạnh đó, công ty này còn có một dự án khá lớn khác đang triển khai hạ tầng tại gần chân cầu Thuận Phước. Đó là dự án Kim Long Ocean Thuận Phước có diện tích hơn 100ha, dự kiến sẽ được phát triển gần 10 block condotel cao cấp và khu biệt thự hướng biển siêu sang.
Đặc biệt, theo thông tin chúng tôi tìm hiểu chính doanh nghiệp này cũng đã âm thầm thâu tóm một diện tích đất khá lớn thuộc khu đô thị Đa Phước. Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng tiết lộ vừa thâu tóm 100% dự án ven sông Hàn (ngay chân cầu Trần Thị Lý) để tiếp tục phát triển thành khu phố biệt thự cao cấp trong năm 2018 này.
Mới đây nhất, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) và Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Xuân Thiều vừa đề xuất thành phố Đà Nẵng xem xét chấp thuận về việc mở rộng quy mô dự án khu du lịch Xuân Thiều (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Tập đoàn đã cam kết đầu tư 110 triệu USD vào dự án này.
Theo đó, Tập đoàn Mikazuki muốn mở rộng quy mô dự án hơn 53.000m2 (lớn gấp 5 lần so với trước) tại khu đất phía Tây Nam và Tây Bắc dự án khu du lịch Xuân Thiều theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Song song đó, Công ty Mitsui & Co. Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mitsui & Co., Nhật Bản) tiết lộ tập đoàn Mitsui sẽ thành lập đội chuyên trách phối hợp với Đà Nẵng để khảo sát tiềm năng và xúc tiến đầu tư vào thành phố. Trước mắt, Mitsui & Co sẽ nghiên cứu đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố như Cảng Liên Chiểu, dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị…
Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Đạt cho rằng, tính ổn định của cơ sở hạ tầng như cấp nước, điện, đường sá, môi trường của thành phố này là tốt hơn; Đà Nẵng có sân bay quốc tế và cảng biển gần trung tâm nên dễ dàng giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới; Chính quyền thành phố thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc; chính sách nhất quán, ít thay đổi hơn so với một số địa phương khác…
“Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp ngoại trên thị trường BĐS sẽ tạo ra tác động tích cực và làm cho thị trường tốt hơn, minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn. Từ đó sẽ tạo tính lan tỏa kích thích nhiều tập đoàn lớn mạnh khác đến với địa phương”, ông Chiến cho biết thêm.
Được biết, năm 2018 được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lựa chọn chủ đề là Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư Đà Nẵng, để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút, thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, truyền thông, hội thảo quy mô lớn.
Hy vong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng để thúc đẩy các quyết định đầu tư bao gồm các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm, mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.