Liệu thế giới có bình đẳng hơn trong tương lai?

Giàu có là thành quả của lao động chăm chỉ còn nghèo đói là hình phạt cho những kẻ biếng lười. Điều đó có đúng không? Thực tế, người nghèo là những người làm việc cật lực trong những hoàn cảnh khó khăn nhất để mưu sinh. Một người có điều kiện kinh tế gia đình tốt, được hưởng nhiều cơ hội giáo dục thường kiếm được thu nhập cao hơn so với những kẻ kém may mắn.

Bất bình đẳng toàn cầu đang chững lại sau nhiều thập kỷ liên tục gia tăng. Thu nhập của 1% những người giàu nhất thế giới đang giảm xuống sau khủng hoảng tài chính và 50% những người nghèo nhất chứng kiến thu nhập tăng lên.

Tuy nhiên, tình hình không còn kéo dài thêm nữa. Bất bình đẳng vẫn gia tăng ở hầu hết tất cả các quốc gia, mặc dù các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc hay Ấn Độ tăng trưởng nhanh chóng và thu hẹp khoảng cách với các nước giàu.

Bất bình đẳng toàn cầu đang chững lại sau nhiều thập kỷ liên tục gia tăng. Đường màu xanh chỉ 50% người nghèo; đường màu cam chỉ top 1% người giàu. (Ảnh: New York Times)

Bất bình đẳng toàn cầu đang chững lại sau nhiều thập kỷ liên tục gia tăng. Đường màu xanh chỉ 50% người nghèo; đường màu cam chỉ top 1% người giàu. (Ảnh: New York Times)

Theo Báo cáo về Bất bình đẳng thế giới, toàn cầu hóa và công nghệ phát triển khiến phần lớn thu nhập tập trung trong tay một số ít người. Cụ thể, 1% những người giàu nhất thế giới kiếm được 27% tổng thu nhập toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2016. Trong khi đó, 50% những người nghèo nhất chỉ kiếm được 12%.

Ở Trung Quốc, 15% tổng thu nhập tăng lên từ năm 1980 chảy vào túi 1% những người giàu nhất. Ngược lại, một nửa dân số là những người nghèo chỉ kiếm được 13%. Ngay cả ở các xã hội dân chủ như châu Âu, trong thời kỳ này, 18% thu nhập tăng lên thuộc về người giàu, những người nghèo chỉ kiếm được 14%. Các quốc gia kém bình đẳng hơn như Hoa Kỳ hay Nga chứng kiến khoảng cách giàu nghèo nới rộng đến mức chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Cụ thể, 50% những người nghèo nhất ở Mỹ chỉ kiếm được 3% trong số thu nhập tăng lên từ năm 1980. Thu nhập thực tế của người nghèo ở Nga còn giảm xuống.

Chính sách có tác động rất lớn đến tình trạng bất bình đẳng. Ở châu Âu, chính sách tái phân phối thu nhập thông qua hệ thống thuế và chuyển giao thu nhập giúp cải thiện tình trạng phân hóa giàu nghèo. Trong khi đó, tại Mỹ, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục kéo theo bất bình đẳng về thu nhập. Đơn giản vì những người có trình độ học vấn cao hơn có xu hướng kiếm được mức thu nhập lớn hơn trong tương lai.

Chiến lược phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc giúp cải thiện đáng kể điều kiện sống của người nghèo. Ngược lại, với chính sách “hướng nội”, thay thế nhập khẩu của Ấn Độ, tác động tích cực của toàn cầu hóa không đến được với tất cả mọi người, mà chỉ có lợi cho một nhóm được hưởng nền giáo dục tốt. Có thể thấy các chính sách từ thuế, giáo dục, tài chính cho đến các quy định việc làm đều tác động đến mức độ bình đẳng của một quốc gia.

Xét trên phạm vi toàn cầu, phân hóa giàu nghèo sẽ co lại khi các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách với các nước giàu. Trong bối cảnh người giàu ngày càng giàu lên còn tiền lương công nhân tại các nước công nghiệp chững lại, sự tăng trưởng màu nhiệm của nền kinh tế Trung Quốc trong ba thập kỷ qua chính là yếu tố giữ khoảng cách thu nhập không nới rộng thêm.

Tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng thu nhập toàn cầu tăng từ mức 3% (năm 1980) lên 19% (năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng nhanh gấp 15 lần so với Hoa Kỳ và Canada, gấp 19 lần so với Liên minh châu Âu. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của nước này bằng 90% thu nhập bình quân đầu người trung bình của thế giới. Tuy nhiên, chỉ mình Trung Quốc là không đủ. Hơn nữa, khi Trung Quốc giàu lên và tăng trưởng chậm lại thì bất bình đẳng toàn cầu có thể tăng trở lại.

Báo cáo cũng cho biết tình trạng phân hóa giàu nghèo có thể còn sâu sắc hơn trong tương lai. Để giải quyết vấn đề này, tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số và các chính sách thu hẹp khoảng cách thu nhập của mỗi nước cần phải được tính toán đến.

Theo Báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam 2017 của World Bank, mặc dù bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam không cao nhưng bất bình đẳng về cơ hội đang trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Trẻ em ở các hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa thiệt thòi hơn trong việc tiếp cận giáo dục, vệ sinh, chăm sóc y tế so với các bạn ở các địa phương có điều kiện thuận lợi.

Cụ thể, trên một nửa dân số ở độ tuổi 15 trở lên thuộc nhóm 40% nghèo nhất chỉ học được đến tiểu học. Không có em nào thuộc nhóm nghèo nhất và 1,3% thuộc nhóm nghèo thứ hai theo học được sau phổ thông. Cơ hội tiếp cận chương trình học cả ngày phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính của phụ huynh.

Về y tế, người nghèo thường chỉ dừng ở mức được chăm sóc y tế ở tuyến cơ sở với chất lượng thấp. Các chi phí liên quan mà người bệnh phải tự thanh toán ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia châu Á, do đó dễ gây khó khăn cho người nghèo khi gặp sự cố về sức khỏe.

Mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước thu nhập trung bình của Việt Nam có thể gặp khó khăn nếu không thực hiện được điều này!

Bài viết mới