Liên hiệp quốc nhất trí siết trừng phạt Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 11/9 thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạtTriều Tiên, sau khi Mỹ từ bỏ những biện pháp mạnh nhằm nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.

Theo tin từ Bloomberg, toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu thuận đối với dự thảo nghị quyết siết trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ đề xuất. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau một tuần kể từ khi Triều Tiên thử quả bom hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của nước này.

Thắng lợi của Mỹ?

Tuy nhiên, thay vì cấm vận dầu lửa đối với Triều Tiên như đề xuất ban đầu, nghị quyết mà Hội đồng Bảo an vừa thông qua quy định hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu lọc hóa vào Triều Tiên ở mức 2 triệu thùng/năm, cấm nước này xuất khẩu hàng dệt may, và cho phép các quốc gia đóng băng tài sản của các tàu chở hàng liên quan đến Triều Tiên trong trường hợp tàu đó không chấp hành các quy định thanh kiểm tra trên biển.

“Chúng tôi đang phản ứng trước một diễn biến nguy hiểm mới”, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley phát biểu tại Hội đồng Bảo an sau cuộc bỏ phiếu. “Đây là những biện pháp mạnh nhất từ trước đến nay được áp dụng đối với Triều Tiên”, bà Haley nói, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ vẫn sẵn sàng hành động đơn phương để chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nếu cần thiết.

Mỹ có thể xem lần siết trừng phạt Triều Tiên này là một thắng lợi ngoại giao vì đã thuyết phục được Trung Quốc và Nga – hai nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an – nhất trí. Mặc dù vậy nghị quyết được thông qua không mạnh như những gì mà Mỹ đề xuất ban đầu. Trong dự thảo đầu tiên được đưa ra, Washington không chỉ muốn cấm vận dầu lửa đối với Triều Tiên mà còn đề xuất đóng băng tài sản ở nước ngoài của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Ngoài ra, giới phân tích đánh giá rằng nghị quyết trừng phạt mới khó có thể khiến Triều Tiên tạm dừng chương trình hạt nhân và quay trở lại bàn đàm phán.

“Dù tỏ ra cứng rắn, Mỹ vẫn sẵn sàng từ bỏ yêu cầu để có được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, và điều đó cho thấy ảnh hưởng của Hội đồng Bảo an trong vấn đề Triều Tiên sẽ lớn hơn nếu có sự đoàn kết giữa các nước thành viên”, giáo sư George Lopez thuộc Đại học Notre Dame, một cựu chuyên gia Liên hiệp quốc về trừng phạt Triều Tiên, nhận định.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã chỉ trích đại sứ Haley và dự thảo nghị quyết của Mỹ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, nói rằng nước Mỹ sẽ phải đối mặt “nỗi đau đớn và thống khổ lớn nhất mà họ từng phải trải qua trong toàn bộ lịch sử” nếu Bình Nhưỡng bị siết trừng phạt.

“Triều Tiên sẽ đảm bảo rằng nước Mỹ phải trả giá kép”, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày thứ Hai đăng một bản tin có đoạn viết.

Dù liên tục đưa ra những lời cảnh báo hùng hồn, hai bên đang cho thấy những dấu hiệu tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Theo kênh truyền hình Nippon của Nhật Bản, các quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên dự định đàm phán không chính thức với một số cựu quan chức Mỹ tại Thụy Sỹ vào ngày thứ Hai.

Trong khi đó, một số ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu cấm mở tài khoản mới cho khách hàng Triều Tiên hoặc không nhận thêm tiền gửi mới vào các tài khoản hiện tại của người Triều Tiên, tờ Financial Times cho hay.

Giới chức Mỹ nói rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên giảm 90%, siết mạnh nguồn ngoại tệ của nước này. Trong đó, riêng lệnh cấm đối với hàng xuất khẩu của Triều Tiên có thể khiến nước này thiệt hại khoảng 726 triệu USD mỗi năm.

Một tháng hai lần siết trừng phạt

Tuy nhiên, những đợt trừng phạt trước đây đã không thể khiến Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Thay vào đó, Bình Nhưỡng đang ngày càng tiến gần khả năng tấn công vào đại lục Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hiện vẫn đang kêu gọi nối lại cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cuộc đàm phán với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ đã bị bỏ dở từ năm 2009.

Mới tuần trước, Trung Quốc và Nga còn phản đối những nỗ lực tăng cường trừng phạt Triều Tiên, trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt câu hỏi về tác dụng của lệnh trừng phạt. Cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, và đổi lại Mỹ và Hàn Quốc phải dừng các cuộc tập trận chung.

Đại sứ Haley đã bác bỏ đề xuất này của Moscow và Bắc Kinh, gọi cách làm đó là một sự “xúc xiểm”.

Đây là lần thứ hai Hội đồng Bảo an ra nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên trong vòng hơn 1 tháng. Lần trước, các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm khiến kim ngạch xuất khẩu của nước này giảm 1 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài biện pháp quân sự mà các nhà phân tích cho rằng có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng và Seoul bị phá hủy, trừng phạt kinh tế là một trong số ít ỏi những lựa chọn mà Liên hiệp quốc có thể sử dụng để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

“Phương Tây cần thuyết phục thế giới rằng họ có một mục tiêu thực tế và một kế hoạch đi xa hơn việc chỉ tăng cường trừng phạt”, bà Andrea Berger, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nhận xét. “Ngoài lệnh trừng phạt ra, chưa có gì nhất quán trong hướng đi sắp tới cả”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục kêu gọi Trung Quốc dùng ảnh hưởng của nước này để kiềm chế Triều Tiên, đồng thời nói Nhật Bản và Hàn Quốc có thể mua thêm vũ khí hiện đại của Mỹ để tự vệ trước nguy cơ từ Bình Nhưỡng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc là nguồn cung cấp chính cho lượng dầu 10.000 thùng mà Triều Tiên nhập khẩu mỗi ngày.

Hôm 30/8, ông Trump nói “đàm phán không phải là câu trả lời” trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn cắt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên hay dùng đến những biện pháp có thể dẫn tới bất ổn chính trị ở quốc gia láng giềng này.

Sau gần 7 thập kỷ chia cắt, kinh tế Triều Tiên – Hàn Quốc khác nhau như thế nào?

Bài viết mới