Sáng 16/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp với Bộ KH&ĐT, Tài Chính, Tư pháp và Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để cho ý kiến về việc xây dựng Danh mục trên.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Quyết định số 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và Quyết định số 707/QĐ-TTg về cơ cấu lại DNNN trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đều giao Bộ KH&ĐT xây dựng Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện bán vốn giai đoạn 2017- 2020.
Trong thời gian qua, việc bán vốn Nhà nước do các bộ, địa phương chủ động thực hiện theo quy định hiện hành. Tới nay, việc Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị ban hành một Danh mục tổng thể DNNN thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020 có chia theo từng năm là cần thiết, nhằm bảo đảm thu từ thoái vốn để bố trí cho các dự án đầu tư trung hạn, là công cụ theo dõi, đôn đốc và giám sát tình hình triển khai bán vốn tại các bộ, địa phương, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn.
Từ đầu năm đến nay, Bộ KH&ĐT đã rà soát và lấy ý kiến đủ các bộ, địa phương để lập danh mục theo nguyên tắc: Đối tượng rà soát là công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có vốn Nhà nước (không rà soát doanh nghiệp cấp 2 trở xuống); xác định tỷ lệ thoái vốn hàng năm căn cứ tiêu chí DNNN tại Quyết định số 58 của Thủ tướng và lộ trình thoái vốn hàng năm theo Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực trong năm 2017 và Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.
Ông Đặng Huy Đông cho biết thêm, riêng năm 2017 thoái vốn là 60.000 tỷ đồng để bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hoá. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ thoái theo mệnh giá là hơn 19.779 tỷ đồng (tính sơ bộ theo giá trị niêm yết có thể mang lại tới gần 30.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, dự thảo Quyết định của Thủ tướng yêu cầu bán vốn tại các doanh nghiệp cấp 1 này minh bạch, đúng quy định và theo cơ chế thị trường. Với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thì bán vốn thành một số đợt, nhưng mỗi đợt phải ở mức từ 20- 36% tổng số vốn cần thoái để tạo hấp dẫn với nhà đầu tư.
Cho ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Danh mục này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn như Habeco, Sabeco, SCIC, PVN, EVN, ACV… thì Thủ tướng Chính phủ sẽ có Quyết định riêng về cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước. Số DNNN còn lại cần thiết phải được tập hợp đầy đủ trong một Danh mục cần bán vốn để công khai cho các nhà đầu tư biết, tính toán lựa chọn sở trường để đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với dự thảo khi quy định tỷ lệ bán vốn từng năm (tỷ lệ tối thiểu), nhưng không “đóng băng” tỷ lệ này mà khuyến khích bộ, địa phương tăng tỷ lệ và đẩy nhanh tiến độ bán vốn theo tình hình thị trường. “Quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn và tỷ lệ bán vốn hàng năm từ nay tới năm 2020 để đánh giá cụ thể và ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương. Nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính rà soát, tính toán số lượng DNNN, số vốn cần thoái của DNNN tới năm 2020 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017.
Theo Bộ KH&ĐT, Tổng số doanh nghiệp còn vốn Nhà nước (không tính doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TPHCM, Tổng Công ty SCIC, các doanh nghiệp bán vốn theo Quyết định riêng của Thủ tướng) là 375 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 108.502 tỷ đồng (tính theo mệnh giá). Tổng số vốn dự kiến thoái từ năm 2017- 2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT cũng dự thảo Danh mục doanh nghiệp cụ thể cần bán vốn theo từng năm khi năm 2017 sẽ bán vốn tại 161 doanh nghiệp, năm 2018 là bán vốn tại 185 doanh nghiệp, năm 2019 tại 65 doanh nghiệp và năm 2020 là tại 25 doanh nghiệp.