Lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc cao điểm lên tới 55%

Năm cao nhất tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước tại thị trường Hàn Quốc là 55%.

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, ngày 5/6.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nhận định, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, đem con bỏ chợ, khiến người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ, quay về nước thì mang công mắc nợ, đã nghèo lại nghèo thêm.

Mặt khác, ở một số thị trường lao động tốt lại có hiện tượng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc ở công ty đã ký hợp đồng ra làm cho công ty khác, hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp, làm ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hợp tác lao động của nước ta với những nước này.

Đại biểu Thuý đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này?

Thừa nhận thực trạng đại biểu nêu, Bộ trưởng Dung cho biết ở một số thị trường có tiềm năng, có thu nhập cao, tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước cao, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, năm cao nhất là 55%, trong khi đó bình quân các nước là 15%. Vì lý do này nên Hàn Quốc 4 năm đã không ký lại bản ghi nhớ với Việt Nam

Vừa qua Chính phủ đã có một quyết tâm rất cao, đã tập trung các giải pháp như cho tổ chức ký quỹ, yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm vận động, thuyết phục, tổ chức các ngày hội việc làm bên phía Hàn, tổ chức văn phòng đến trực tiếp các nơi để vận động thuyết phục, Bộ trưởng nói tiếp.

Theo Bộ trưởng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng lao động bất hợp pháp vì các chủ doanh nghiệp của bạn cũng có nhu cầu, những người ở lại thường là tay nghề cao, thu nhập cao lại trốn được thuế ….

Bộ trưởng thông tin thêm rằng, sau 3 năm kiên trì, đặc biệt năm 2017 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, phía Hàn Quốc cũng quyết liệt xử lý các doanh nghiệp vi phạm nên tỷ lệ lao động bất hợp pháp đã rút xuống còn 33%.

Chính vì vậy trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước, Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam ký lại bản ghi nhớ về xuất khẩu lao động, Bộ trưởng nói.

Đại biểu Thuý dùng quyền tranh luận nhắc Bộ trưởng chưa trả lời về trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khiến cho người lao động lâm vào hoàn cảnh bơ vơ.

Theo báo cáo qua 2 năm 2016 – 2017 Bộ đã kiểm tra, thanh tra 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài thì có đến 42 doanh nghiệp vi phạm, đại biểu Thuý nhấn mạnh.

Thừa nhận tình trạng đại biểu nêu là có thật, Bộ trưởng nói tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra là có.

Bộ trưởng cho biết vừa qua cùng với thường trực Chính phủ đã tổ chức cuộc gặp mặt, đối thoại với 282 doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng đồng thời cũng yêu cầu chấn chỉnh vi phạm.

Về xử lý, Bộ trưởng nêu con số đã thanh tra 51 doanh nghiệp, phát hiện 338 sai phạm và ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính trong năm 2017 là 3,227 tỷ đồng. Đồng thời, đã thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có cả bề dày hoạt động về xuất khẩu lao động 25 năm nhưng lần đầu tiên bị đình chỉ và thu hồi giấy phép.

Vẫn liên quan đến lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, đại biểu Nguyễn Văn Man (Quảng Bình) chất vấn: Bộ đã ban hành văn bản dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương đi làm việc tại Hàn Quốc. Việc làm này có đúng quy định hay không và tại sao như vậy?

Hồi âm đại biểu Man, Bộ trưởng khẳng định đó không phải là chủ trương của Bộ mà là phía Hàn Quốc không đồng ý tuyển lao động ở những địa phương có 30% lao động hết hạn trốn ở lại.

Và Bộ đã cố gắng đàm phán thêm tiêu chí là những nơi đó phải có 60 người trở lên. Vì thế năm 2017 có 12 tỉnh và 58 huyện không được tuyển đến 2018 còn 49 huyện.

Đáng chú ý, Bộ trưởng nhấn mạnh là khi xảy ra sự cố môi trường biển liên quan đến Formosa đã đàm phán đưa18 ngàn người ở các địa phương này sang Hàn Quốc lao động.

Bộ trưởng LĐTBXH: Không có chuyện 80 người lao động ở tuổi 35 bị sa thải, thực tế chỉ khoảng 1,9%

Bài viết mới