Lao đao vì giám đốc công ty bất động sản “mất tích” (!)

Theo cơ quan điều tra, Công ty Bất động sản Ban Mê được thành lập từ tháng 12-2015 do bà Nguyễn Thị Lựu làm Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh: tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Đầu tháng 3-2017, công ty mở bán hàng trăm nền đất tại các dự án như: Nhà phố liền kề 226 đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột; dự án Đồi Thông phường Ea Tam; đất nền vành đai xã Cư Ea Bua; đất nền biệt thự dọc các trục đường lớn khác… với “giá ưu đãi” – 650 triệu đồng/lô (mỗi lô rộng 100m² và có 40m² đất thổ cư).

Trước những lời cam kết, rêu rao… “có cánh” của bà Giám đốc Lựu, hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tin tưởng bỏ tiền, người ít thì vài trăm triệu, người nhiều lên đến cả tỷ đồng để mua đất.

Tuy nhiên, sau khi mua đất của công ty này, người dân chỉ nhận được một tờ hóa đơn và một hợp đồng cho vay tiền. Trong khi chờ nhận sổ đỏ như cam kết thì giữa tháng 7-2017, bà Giám đốc Lựu “biến mất”.

Trụ sở Công ty Bất động sản Ban Mê đóng cửa im lìm.

Trụ sở Công ty Bất động sản Ban Mê đóng cửa im lìm.

Cầm lá đơn trên tay, anh Vũ Anh Tuấn (tên nạn nhân đã được thay đổi) cho biết, vào khoảng đầu tháng 6-2016, thông qua một số người quen, anh có gặp bà Lựu và được bà này đồng ý bán lại cho một mảnh đất nông nghiệp có diện tích 150m²² tại buôn Mduk, phường Ea Tam với giá 100 triệu đồng.

Theo cam kết, anh Tuấn sẽ phải trả trước cho bà Lựu 50% số tiền mua đất, số còn lại được trả dần trong 2 năm. Sau khi trả hết tiền, bà Lựu sẽ giao sổ đỏ và cam kết “giúp” anh Tuấn xây nhà trên mảnh đất này mà không bị chính quyền ngăn cản.

Theo đúng thỏa thuận, ngày 30-6-2016, anh Tuấn đã giao cho bà Lựu 50 triệu đồng. Việc giao nhận này được thể hiện bằng một hợp đồng đặt cọc mua bán đất và một phiếu thu.

Đến ngày 1-7, bà Lựu tiếp tục yêu cầu anh Tuấn ký một hợp đồng cho vay tiền với tổng số tiền vay là 50 triệu đồng. Số tiền vay này, anh Tuấn sẽ phải trả cho bà Lựu trong vòng 24 tháng với lãi suất 7%/năm.

“Sau khi nộp 50 triệu tiền đặt cọc, tôi có trả thêm cho bà Lựu khoảng 20 triệu đồng nữa theo hợp đồng vay tiền. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7-2017, trụ sở của Công ty Bất động sản Ban Mê bỗng dưng biến mất. Số điện thoại của bà Lựu kể từ đó cũng không thể liên lạc được. Do hoàn cảnh khó khăn nên tôi mới vào đó mua đất. Không ngờ đã nghèo lại còn gặp eo, giờ tiền đã giao mà giấy tờ đất thì chẳng có gì cả, tôi cũng không biết tính sao đây”, anh Tuấn buồn bã nói.

Hàng trăm người dân ngậm trái đắng khi mua đất của bà Lựu.

Hàng trăm người dân ngậm trái đắng khi mua đất của bà Lựu.

Cũng giống như anh Tuấn, bà N.T.L (trú TP Buôn Ma Thuột) chỉ vì tin vào những lời rêu rao của bà Giám đốc Lựu mà giờ phải tha phương cầu thực để kiếm sống.

Bà L. kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không có đất ở nên vào đầu năm 2016, khi nghe tin Công ty Bất động sản Ban Mê mở bán “dự án Đồi Thông phường Ea Tam” với giá rẻ nên đã vay mượn số tiền hơn 100 triệu đồng để mua đất.

“Sau khi giao số tiền 100 triệu đồng như cam kết cho bà Lựu, gia đình tôi còn nợ lại 20 triệu đồng tiền mua đất. Bà ấy cam kết sẽ giao sổ đỏ khi trả hết số tiền còn lại nhưng giờ bà ấy bỏ trốn, tôi cũng không biết làm sao”, bà L. nói.

Được biết, hoàn cảnh gia đình bà L. rất khó khăn. Sau khi vay tiền mua đất và vừa cất xong căn nhà cấp 4 thì chồng bà bị bệnh qua đời.

Không còn cách nào khác, bà phải bỏ xuống TP Hồ Chí Minh kiếm sống để kiếm tiền trả nợ cũng như gửi về để cho con gái ở nhà chăm sóc 2 cậu con trai nhỏ mắc bệnh xương thủy tinh. “Gia đình đã khốn khó giờ lại bị lừa như vậy”, bà L. thở dài.

Theo tìm hiểu, không chỉ anh Tuấn, bà L. mà hầu hết những người mua đất của bà Lựu đều chỉ nhận được… giấy nợ. Tất cả đều tin tưởng sẽ có thể xây được nhà và nhận được sổ đỏ khi trả hết tiền. Tuy nhiên trên thực tế, người dân sau khi thanh toán hết tiền cho bà Lựu chỉ nhận được sổ đỏ… dởm.

Nhiều người sau khi xây nhà liền bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ do xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Với hình thức mua bán như trên, đến nay bà Lựu cùng công ty của mình đã giao dịch thành công với hàng trăm người dân, thu về gần 10 tỷ đồng.

Theo một cán bộ điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột, sở dĩ bà Lựu dễ dàng lừa được người dân mua đất là do bà này cấu kết với một đối tượng tên Sơn (chưa rõ lai lịch) tổ chức làm sổ đỏ rởm.

“Khi giao dịch với người dân, bà Lựu đã dùng sổ đỏ giả này để tạo lòng tin rồi thúc người dân đóng tiền. Khi giao dịch hoàn thành, bà Lựu ẵm tiền rồi tìm cách bỏ trốn”, vị cán bộ này thông tin thêm.

Trao đổi thêm với PV Báo CAND, Đại tá Nguyễn Trọng Hà cho biết, hiện đã có hàng chục người dân đến cơ quan Công an để tố cáo hành vi lừa đảo của bà Lựu.

Bài viết mới