Làn sóng Việt Kiều Mỹ mua bất động sản tại Việt Nam tăng cao

Tại hội thảo “Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 – 2018: Toàn cảnh & Dự báo” ngày 9/12, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường bất động sản có sự phát triển tương đối tốt.

Để dẫn chứng, ông Lực cho biết, trong năm số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng mạnh. Trong 11 tháng năm 2017, có 4.500 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được thành lập mới, tăng 60% về số doanh nghiệp và số vốn, tăng 18,6% về lao động); 155.300 doanh nghiệp xây dựng thành lập mới (tăng 9% về số vốn và 28% về vốn).

Về quy mô vốn cũng tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây lên đến 68 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Mức độ minh bạch thông tin đang cải thiện với số doanh nghiệp bất động sản niêm yết tăng từ 11 doanh nghiệp lên đến gần 60 doanh nghiệp hiện nay.

“Kết quả kinh doanh khả quan. Hết tháng 9/2017, doanh nghiệp bất động niêm yết có doanh thu tăng 40%, lợi nhuận tăng 6%. Thị trường, giá cả tăng từ 5-10% ở các phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ khép kín, căn hộ để bán, mặt bằng bán lẻ…”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

“Tôi cho rằng, thị trường bất động sản năm 2018 có lẽ vẫn tiếp tục đà khả quan”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Cũng đánh giá rất tốt về thị trường BĐS Việt Nam, bà Liễu Nguyễn – Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, lượng kiều hối ở Việt Nam khá là cao, Việt Kiều Mỹ cũng rất quan tâm đến việc sở hữu bất động sản tại quê nhà.

“Tuy nhiên, các vấn đề, quy định về tài chính và luật sở hữu đã gây nhiều khó khăn với việc này. Cụ thể như việc họ phải nhờ một người khác trong nước đứng tên hộ tài sản của mình để dễ dàng sở hữu một căn hộ ở quê hương”, Bà Liễu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với bà Liễu, ông Chow Chee Fan – Giám đốc điều hành Gamuda Việt Nam cũng nêu ra các nhận định với tư cách đại diện các chủ đầu tư nước ngoài. Theo ông, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Singapore, Mỹ,… đã có sự quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông Chow Chee Fan cũng cho biết thêm các đầu tư ngoại đang e ngại về thị trường Việt Nam bởi hiện nay quy định về luật sở hữu nhà đất ở Việt Nam chưa rõ ràng, chặt chẽ. Ông cho biết, ở các nước khác, luật sở hữu nhà ở được quy định rất rõ ràng và dễ thực thi, tuy nhiên ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều bất cập.

Đánh giá về thị trường BĐS năm 2018, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group cho biết trong 2 đến 3 năm tới, thị trường bất động sản sẽ toàn cầu hóa thực sự, người Việt Nam sẽ dễ dàng đi mua nhà ở nước ngoài và ngược lại – người nước ngoài cũng sẽ mua nhà nhiều hơn tại nước ta.

“Việc xuất khẩu bất động sản sẽ diễn ra ngay tại chỗ, doanh nghiệp sẽ thu được ngoại tệ từ chính các khách hàng cá nhân nước ngoài chứ không phải qua hình thức đầu tư FDI nữa”, ông Phạm Thanh Hưng cho hay

Bài viết mới