Làn sóng đầu tư vào công nghệ của người giàu châu Á liệu có thành công?

Tại Hồng Kông, triệu phú Mattew Tai năm nay 35 tuổi đã đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo. Anh đã chấp nhận bán đi một phần tài sản bất động sản của gia đình để chuyển tiền sang đầu tư vào một số công ty công nghệ mới.

Anh Tai cho biết anh ấy đã đầu tư vào FundHive, một công ty sản xuất màn hình LCD siêu phẳng và trang web Freeboh chuyên trong lĩnh vực tuyển dụng. Giờ đây khoảng 15% trong tổng tài sản khoảng 70 triệu USD của gia đình anh được dành cho lĩnh vực công nghệ, hai năm trước, gia đình anh thậm chí còn chưa quan tâm đến lĩnh vực này.

Anh Tai cho biết: “Thường gia đình tôi quan tâm nhiều đến kiếm tiền trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng đó là chuyện quá khứ rồi. Thế giới mới là thế giới của công nghệ.”

Khi các triệu phú châu Á ngày một giàu lên, tổng tài sản của họ phình to lên đến con số ước khoảng 17 nghìn tỷ USD, theo tính toán của công ty tư vấn Capgemini. Và khá nhiều trong số tài sản lớn đó được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở châu Á cũng như trên thế giới, nguyên nhân đơn giản là bởi những người thừa kế thế hệ sau yêu thích công nghệ.

Họ hy vọng rằng đầu tư vào công nghệ sẽ giúp mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai và giúp hiện đại hóa những đế chế kinh doanh đã trở nên lạc hậu, già nua theo năm tháng.

Nguồn tiền đầu tư dồi dào từ những người giàu châu Á hứa hẹn sẽ tiếp tục đẩy giá trị của những công ty công nghệ tại châu Á lên cao. Quỹ 93 tỷ USD của SoftBank và nhiều quỹ khác của chính phủ Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào nhiều công ty công nghệ mới.

Thay cho việc chủ yếu đầu tư vào bất động sản hay sản xuất theo cách thông thường trước đây, các gia đình giàu châu Á đang đầu tư ngày một nhiều hơn vào những công ty công nghệ non trẻ.

“Việc thuyết phục các thế hệ trước đầu tư vào công nghệ không bao giờ là một việc dễ dàng. Thuyết phục những người trẻ đổ tiền vào công nghệ dễ dàng hơn bởi họ thừa hiểu rằng không ngành nghề kinh doanh nào có thể tồn tại mà không có các mối quan hệ tốt với khách hàng trên mạng Internet”, chuyên gia quản lý quỹ tại K2 Global, ông Ozi Amanat, nhận xét.

Tại Malaysia, cha của cô Jo Jo Kong đã trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất Malaysia nhờ vào đầu tư kinh doanh dịch vụ tang lễ từ thập niên 1980 và sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Giờ đây, tỷ phú 26 tuổi này đang chuyển sang đầu tư vào công nghệ.

Mới trong tháng Tám này, Kong đã trở thành đối tác của RHL Ventures, một tổ chức đầu tư sáng lập bởi con cháu của nhiều gia đình giàu có ở Malaysia. RHL có một danh mục đầu tư phong phú trong đó có cả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Hai ứng dụng nổi tiếng hiện đang nhận đầu tư của RHL bao gồm ứng dụng Sidestep và GameOn.

Anh Kong chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi cần phải hiểu lĩnh vực công nghệ. Chúng tôi cần phải biết cách tận dụng công nghệ một cách hiệu quả nhất để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh khác, ví như bất động sản hay tang lễ.” Gia đình của cô đã bắt đầu sử dụng công nghệ trong nhiều hoạt động kinh doanh của mình, ví như sử dụng flycam để khảo sát đồn điền thay cho dùng máy bay trực thăng.

Trong lĩnh vực công nghệ, nhà đầu tư châu Á đang hướng tới nhiều lĩnh vực mới chưa được khai phá. Ví dụ như quỹ Jeneration Capital, một tổ chức đầu tư có văn phòng tại Hồng Kông, gần đây đã đầu tư rất nhiều vào Meituan-Dianping, trang web mua hàng theo nhóm tại Trung Quốc. Vào năm ngoái quỹ cũng đầu tư vào một trang ứng dụng mua và bán xe ô tô cũ tại Trung Quốc, ngoài ra là dịch vụ Grab, trang web chuyên về dịch vụ chia sẻ xe ô tô.

Quỹ Capital Management trụ sở tại Hồng Kông đầu tư 50 triệu USD vào Zoox Inc, một quỹ của Mỹ chuyên đầu tư vào xe tự lái.

Làn sóng đầu tư dâng cao như vậy, nhưng thành công đến đâu vẫn là câu trả lời của tương lai. Bởi trong số hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ mới, chỉ có một phần rất nhỏ trong đó thành công. Và khi mà có quá nhiều tiền được đổ vào một lĩnh vực, giá trị của công ty bị thổi phồng lên quá mức, những nhà đầu tư lúc giá cao chắc chắn chịu thiệt, theo nhận xét của ông Han Kim, chuyên gia đầu tư tại Altos Ventures.

Cuộc chiến giành giật thị phần viễn thông khốc liệt ở châu Á

Bài viết mới