LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Lê Quốc Việt – ngân hàng Sacombank chi nhánh Tây Ninh gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———-
Mỗi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, một con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương, khi Mặt Trời mọc, bạn hãy bắt đầu chạy. Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều đã từng nghe qua, hoặc vô tình đọc được ở đâu đó về câu chuyện này. Nhưng để hiểu hết được những bài học chứa đựng trong đó, thì cần đặt nó vào hoàn cảnh của mỗi người để mới có thể hiểu hết được sự khắc nghiệt của cuộc sống. Chạy để sinh tồn chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với lực lượng bán hàng nói chung, và lực lượng bán hàng tại các ngân hàng nói riêng.
Tôi bắt đầu với công việc hiện tại là chuyên viên khách hàng (CVKH) tại ngân hàng Sacombank chi nhánh Tây Ninh được 3 năm, đó là khoảng thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn để “nếm trải” tất cả những “món đòn”của nghề tín dụng – nghề mà tất cả mọi người đều nghĩ rất hào nhoáng, nhưng bên trong cũng ẩn chứa rất nhiều cám dỗ.
Có thể ví von thế này, nếu như ngân hàng là một cơ thể con người, Ban Lãnh đạo ngân hàng là đầu não vận hành cơ thể, thì cán bộ tín dụng là huyết mạch, là nguồn sống của cơ thể. Do đó, hầu như tại tất cả các ngân hàng, vị trí chuyên viên khách hàng thường là vị trí “xương xẩu” với nhiều áp lực và thách thức nhất, đòi hỏi mỗi chuyên viên phải toàn diện, đa năng để có thể hoàn thành các chỉ tiêu KPIs về huy động, cho vay và các chương trình định hướng khác,…
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những ngày tháng rong ruổi trên các cung đường, bám sát địa bàn để tìm kiếm và phát triển hệ khách hàng cho riêng mình. Đó chính xác là những công việc mà một cán bộ tín dụng mới vào nghề phải ít nhất một vài lần trải qua. Nhưng trên hành trình đó, mỗi người làm công tác cho vay vẫn luôn phải luôn tự tìm cho mình các “tư liệu về cuộc sống”; tự trang bị cho mình những kĩ năng để qua đó mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và tất nhiên là cũng ngày một trưởng thành hơn trong công việc.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Nếu như ai đó bất chợt hỏi những người làm tín dụng như tôi về quy trình trồng lúa, canh tác cây cao su,.. thì chúng tôi sẽ kể cho bạn nghe như thể là những người nông dân thực thụ. Nếu bạn còn băn khoăn về các phương thức thanh toán tiền hàng, khai báo thuế thì chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng tư vấn cho bạn như những chuyên gia thường hay chia sẻ trên đài. Đó chỉ là một phần trong số những kiến thức tổng thể mà mỗi chuyên viên khách hàng cần phải tự trau dồi cho bản thân trong quá trình làm việc.
Nhưng nếu cán bộ tín dụng xem công việc là một như một gánh nặng thì tất yếu mỗi bước đi cũng như mỗi thao tác nghiệp vụ đều sẽ nặng nề, không thoải mái. Chỉ có niềm say mê trong công việc, mới có thể chứng tỏ được mình là người có ích. Khi đã thông suốt được như thế, chắc chắc ta sẽ không còn thấy áp lực của công việc và xem nó như là một món quà tuyệt vời.
Công việc của một chuyên viên khách hàng cũng đáng tự hào và ngưỡng mộ lắm chứ! Không tự hào sao được khi chính công việc này đã và đang từng ngày vun vén cho gia đình bé nhỏ của tôi, giúp cho những đồng nghiệp của tôi có được gia đình hạnh phúc, ấm no. Không đáng ngưỡng mộ sao được khi công việc này đã giúp đỡ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp cho mọi người xung quanh.
Nhưng vốn dĩ, cuộc sống là một bức tranh với những gam màu khác nhau, có phần rực rỡ thì cũng có phần trầm lắng, có lúc thăng hoa thì cũng đôi khi có lúc thất bại. Đó chính là những quy luật rất đỗi tự nhiên. Sau những lúc thăng hoa trong công việc, thì vẫn còn đó những góc khuất trong nghề khiến cho CVKH phải “mất ăn mất ngủ”. Những rủi ro trong công tác cho vay vẫn luôn ám ảnh mỗi giấc ngủ của cán bộ tín dụng. Ai đó đã từng bông đùa rằng, khi chuyên viên tín dụng đặt bút vào hồ sơ vay vốn, đồng nghĩa cuộc sống của họ sẽ gắn liền với khách hàng, với khoản vay này. Bởi sau giải ngân được hồ sơ thì CVKH vẫn phải lo công tác hậu cho vay như kiểm tra hồ sơ vay định kỳ, nhắc nợ khách hàng khi đến hạn thanh toán,… Áp lực lắm nhưng là cái nghiệp rồi, mà đã là nghiệp rồi thì nhân viên tín dụng phải theo thôi.
Bên cạnh những mặt tích cực, thì yếu tố tiêu cực vẫn luôn song hành với nhau trong công việc của một chuyên viên tín dụng. Bởi đơn giản, nghề tín dụng là nghề chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn giữa việc phải tăng trưởng cho vay nhưng vẫn phải song hành với hạn chế rủi ro. Đó là mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân với những lợi ích của tập thể. Qua đó, đòi hỏi mỗi cán bộ tín dụng phải tự giải quyết mâu thuẫn đó, nếu không sau một thời gian công tác sẽ “sợ” cho vay. Nhưng biết “sợ” trong cho vay cũng là điều tốt, “sợ” để ý thức được trách nhiệm của mình trong mỗi quyết định, để từ đó có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp nhất.
Một đồng nghiệp – cũng là người thầy từng dìu dắt khi tôi mới chập chững vào nghề từng khuyên tôi rằng “chuyên viên khách hàng không cần sáng tạo trong công tác cho vay, cứ làm theo đúng quy trình, quy định để còn đường về với gia đình, đừng tự rào nó lại bằng sự cả nể và những lợi ích trước mắt…”. Vì khi rủi ro phát sinh, chuyên viên khách hàng chỉ có thể tự bảo vệ được bản thân khi đã làm theo đúng quy trình, quy định, đừng đợi đến lúc đứng trước vành móng ngựa rồi mới hối tiếc “Giá như ngày đó tôi….”.
Suy cho cùng, công việc của một chuyên viên khách hàng không chỉ đòi hỏi người đó có năng lực và kiến thức mà còn phải có bản lĩnh chống lại sự cám dỗ của đồng tiền. Nhưng khi đã dấn thân vào nghề thì chắc chắn mỗi người sẽ hết mình vì công việc để “sống” được với nghề.
Khi ngày mới lại bắt đầu, mặt trời lại lên và chúng ta hãy cùng nhau thức dậy để thực hiện giấc mơ thôi nào, hãy cùng “chạy để sinh tồn”, dù bạn có là linh dương hay sư tử!