Có lẽ vấn đề lớn hàng đầu trên thế giới ở thời điểm hiện tại chính là khoảng cách giữa người giàu và những người không giàu. Tại nhiều quốc gia, khoảng cách này lớn tới nỗi những người giàu có cách sống riêng, cộng đồng riêng và tất nhiên họ tách biệt mình khỏi thế giới xung quanh, đó là sự thay đổi lớn ở nhóm 1% trên thế giới.
Nhà giàu mà như không giàu
Nếu sống tại Nhật, chẳng ai biết rằng hàng xóm của mình có giàu hay không vì bên ngoài nhà của họ chẳng khác gì hàng triệu căn nhà khác.
Mặc dù vậy, không phải ở quốc gia nào người giàu cũng có phong cách sống như trên, không phải người nào trong nhóm “thừa tiền” cũng sở hữu hàng loạt siêu xe hay bất động sản sang trọng. Đúng thế, tại Nhật Bản bạn rất có biết ai là người có tiền, giàu vì mọi người đều như nhau.
Có nhiều người giàu sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển, siêu xe chỉ dành cho những người thật sự đam mê thế nên không phải cứ giàu là sẽ có xe đắt tiền.
Nếu không xuất hiện trên các bản tin truyền hình hay trong tầng lớp cực giàu được cả thế giới biết tới thì những người giàu có tại Nhật có lối sống chẳng khác gì người bình thường. Thậm chí tới cả hàng xóm cạnh nhà cũng chẳng biết là mình đang sống gần một người giàu đến thế.
Giàu về vật chất nhưng cũng giàu có về tinh thần
Giới nhà giàu tại Nhật Bản có lối sống cộng đồng, họ không thích phá cách, đứng trên đám đông hay muốn mình nổi bật, sẽ chẳng có siêu xe hay những căn biệt thự rộng lớn, chẳng nhiều người biết về người giàu tại Nhật Bản thật sự giàu như thế nào.
Để giải thích cho sự giàu có của một người Nhật Bản, tác giả sách Atsushi Miura cho rằng một người sẽ được coi là giàu tại Nhật Bản nếu thu nhập hàng năm của họ trên 30 triệu Yên và họ có số tài sản ít nhất 100 triệu Yên. Tại Nhật thì có khoảng 1,3 triệu người có số tài sản 100 triệu, khoảng 1% dân số của xứ sở Mặt Trời. Hoặc không, họ sẽ được coi là giàu nếu chẳng cần làm gì, sống nhờ lợi tức từ những tài sản mình có, mặc dù vậy cách thức này khá khó để xác định ai giàu hơn ai.
Trong thống kê của mình, Miura nhận thấy rằng giới 1% tại Nhật Bản hạn chế khoe khoang, họ không xây lâu đài, biệt thự hay những căn hộ đắt tiền. Mặc dù vậy, người giàu tại Nhật lại rất tôn trọng nghệ thuật, họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu những tác phẩm nghệ thuật, tới các chương trình nghệ thuật đắt đỏ hay đi du lịch vòng quanh thế giới trên du thuyền. Siêu xe cùng kim cương, đá quý… một biểu hiện của sự giàu sang trên thế giới lại không xuất hiện nhiều ở Nhật Bản.
Không siêu xe nhưng người giàu Nhật lại rất tôn trọng, yêu nghệ thuật. Ví dụ như một tỷ phú Nhật đã bỏ ra 110 triệu Yên để sở hữu tác phẩm trên.
Ngoài ra, tác giả Miura cũng cho rằng có một xu hướng mới nổi trong giới nhà giàu Nhật Bản từ năm 2015, họ mua những sản phẩm nội địa và đi du lịch trong nước, họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại chính Nhật Bản thay vì hàng nhập khẩu dù cho giá thành có cao hơn bao nhiêu đi chăng nữa. Đây không phải là do gu của họ giống nhau, Miura cho rằng họ đang thể hiện trách nhiệm công dân của chính mình, đóng góp cho đất nước.
Người giàu Nhật sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho một chai Nihonshu chất lượng chứ không ưa sử dụng rượu ngoại nhập.
Thêm vào đó, mặc dù không sở hữu bất động sản “khủng” trong nước, họ lại có rất nhiều biệt thự hay tài sản giá trị lớn tại nước ngoài. Lý do chủ yếu Miura đưa ra là để tránh thuế, việc Nhật Bản yêu cầu kê khai các tài sản có giá trị trên 50 triệu Yên tại nước ngoài cũng khiến giới nhà giàu dè dặt hơn với các khoản đầu tư nước ngoài.
Một tính cách khác của người giàu Nhật Bản so với giới nhà giàu quốc tế là họ rất coi trọng những thành quả mình làm được. Họ cho rằng chẳng ai tự nhiên giàu và tôn trọng những gì mình làm ra, những nỗ lực, cống hiến mà họ đã bỏ để có được sự giàu có ấy. Có rất ít người giàu Nhật không đi làm, sống nhờ các khoản đầu tư, dù giàu hay nghèo họ vẫn ra khỏi nhà từ sáng sớm, đi làm và về nhà vào buổi chiều muộn. Mô hình giàu có thảnh thơi không mấy xuất hiện ở Nhật Bản.
Rich kids of Japan
Có thể bạn sẽ thấy ở đâu đó những chùm ảnh con nhà giàu tại quốc gia này, nước kia. Con nhà giàu tại Nhật thì sao? Họ được chăm lo về giáo dục, thứ họ nhận được không phải là tiền từ cha mẹ mà là công cụ kiếm tiền để sau này họ cũng có thể tự giàu có như cha mẹ mình. Giáo dục giúp cho giới con nhà giàu Nhật Bản có được kiến thức tốt, hiểu về tiền cũng như cách kiếm tiền, một thứ mà người bình thường ít có cơ hội tiếp cận tới.
Trong một nghiên cứu, thống kê của tổ chức nghiên cứu Nomura, giới nhà giàu tương lai của Nhật Bản sẽ đa phần là con nhà giàu. Thế nhưng, Nomura cho rằng lũ trẻ ngày nào sẽ không thành triệu phú nhờ việc thừa kế, chúng được giáo dục đủ tốt để có thể làm giàu từ chính khả năng của mình.
Con nhà giàu Nhật Bản được đầu tư về giáo dục, họ cho con cả kiến thức trường lớp cũng như những kinh nghiệm cá nhân để chúng có thể tự giàu có sau này.
Con nhà giàu Nhật Bản sẽ học tập từ cha mẹ chúng các ví dụ và rồi sau đó tự áp dụng vào thực tế để có kinh nghiệm cũng như tự xây dựng được những chiến lược kinh doanh riêng. Trong giới con nhà giàu Nhật, có tới hơn 50% tự có khả năng kinh doanh độc lập, tự làm giàu mà không cần tới các tài sản hay mối quan hệ của cha mẹ để lại.
Vậy bài học ở đây là gì?
Đúng với tư tưởng sống của người Nhật, họ không thích khoe khoang và luôn muốn được sống giống như những người khác trong cộng đồng. Lý do này khiến họ giàu “ngầm” và chẳng ai ghen tị, chẳng ai có ý kiến với sự giàu có của họ.
Trong một cộng đồng mà những người giàu luôn “giấu mặt” thì mọi thứ luôn ổn định hơn, chẳng ai rêu rao về người này người kia cùng những scandal không đáng có của nhóm nổi tiếng nhờ giàu, người giàu Nhật Bản có thể không có siêu xe hay biệt thự lớn nhưng họ có tài sản đảm bảo, luôn có tài chính mỗi khi cần và họ được cộng đồng tôn trọng.
Vì tư tưởng kế thừa cho thế hệ sau thông qua giáo dục, kiến thức, thế hệ tiếp theo của Nhật Bản cũng có khả năng làm giàu và phát triển tốt chẳng kém gì thế hệ trước đó, nó giúp cho người Nhật giàu từ thế hệ này qua thế hệ khác và phụ huynh Nhật cũng sẽ an tâm hơn về con cái của chính mình.
Có nhất thiết là cứ giàu thì phải sở hữu nhiều đá quý, siêu xe hay nhà lớn? Hãy nhìn ví dụ của người Nhật và tự áp dụng cho chính mình, đôi khi sự giàu có không thể hiện ở những vật chất bạn sở hữu, nó là cách thức bạn tiếp cận với cái “giàu” cũng như cách mà bạn quý trọng những gì mình làm ra.