Đây chính là câu chuyện ra đời của thương hiệu Kim chi Ông Kim’s.
“Tôi đang làm quảng cáo, Ecommerce, đang làm đủ thứ tự dưng kêu đi bán kim chi?”
Ông Kim Tae Kon vốn là một doanh nhân Hàn Quốc đến Việt Nam từ những năm 90s, yêu Việt Nam và quyết định ở Việt Nam lập nghiệp. Và ông chọn lập nghiệp với ngành quảng cáo và thương mại điện tử (Ecommerce).
Dù đi đâu, người Hàn Quốc cũng luôn cầm kim chi – món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của họ – đi theo. Ông Kim cũng vậy. Khi ông Kim lập team, mỗi khi dùng bữa ông lại mời nhân viên ăn cùng, nên kim chi hết rất nhanh.
Thèm ăn quá, ông đành nhờ vợ là bà Nguyễn Thị Kim Hạnh đi mua nguyên liệu về để ông làm kim chi.
“Lúc mua nguyên liệu, tôi thấy món kim chi tưởng giống như dưa muối của Việt Nam mà nguyên liệu có tới gần 20 loại rau, củ, quả. Tất cả loại rau, củ, quả đó giống như dược thảo, thuốc nam của Việt Nam, với các loại hành, hẹ, và nhiều loại rau củ mà mình không biết”.
“Cải thảo là nguyên liệu chính, nhưng nước sốt để trét lên kim chi gồm mười mấy thứ rau củ xay nhuyễn bỏ vào, trong đó có ớt. Ớt phải nhập từ Hàn Quốc vì ớt Hàn không cay, cho nên không có chuyện bỏ màu vào đây. Người ta dùng ớt thật, phải nhiều, và bỏ hạt ra ngoài”, bà Hạnh chia sẻ trong một buổi nói chuyện mới đây.
Quan sát team của chồng ăn uống, bà Hạnh đặt vấn đề: “Sao người Việt thích ăn kim chi vậy ta? Trong khi ông này nuôi Team 6 tháng nay chưa làm ra đồng nào…”
“Hay mình bán kim chi nuôi team trước, để rồi làm ngành kinh doanh kia sau?”, bà gợi ý chồng.
“Bán kim chi? Tôi đang làm quảng cáo, Ecommerce, đang làm đủ thứ tự dưng kêu đi bán kim chi?”
“Mấy tháng nay, tôi thấy ông nuôi tụi nhỏ không à, thôi nay lấy nghề tay trái nuôi tay phải đi”, bà Hạnh khuyên nhủ.
Bỏ học MBA bên Mỹ, ở lại Việt Nam bán kim chi cho chồng
Bà Hạnh phân tích: Nói về tiềm năng thị trường, Việt Nam có 90 triệu dân, trong khi chỉ quanh quanh Team ông Kim, hỏi 10 nhân viên thì 9 nhân viên ghiền kim chi, chứ không chỉ là thích. Kim chi làm ra nuôi tụi nhỏ hết vèo vèo.
“Thị trường 90 triệu dân đó. Tôi sẽ nghỉ việc làm dự án này cho ông”, bà Hạnh tuyên bố. Lúc đó, bà chuẩn bị sang Mỹ học MBA.
Bà giấu gia đình, bỏ luôn chuyện học MBA bên Mỹ. Buổi tối thay vì đi học thêm, thì tới chỗ ông Kim, mua rau củ về nghiên cứu công thức làm kim chi với chồng.
Hai người nghiên cứu trong 4 tháng, xem xét xem nguyên liệu Việt Nam nào vừa phù hợp với món kim chi của người Hàn, vừa phù hợp với khẩu vị người Việt.
“Ổng hên vì tôi là phụ nữ Việt Nam, tôi hiểu vị nào người Việt Nam thích, chứ nếu là 2 người Hàn Quốc hay 2 người Việt Nam thì chưa chắc làm được. Cho nên, tôi nghĩ có cái duyên trời định gì đó. Và Kim chi Ông Kim’s ra đời”, bà Hạnh cười.
Ra đời năm 2004, đến năm 2015, Kim chi Ông Kim’s được bán lại cho CJ với giá vài triệu USD. Thương vụ này kéo dài tới 5 năm, mà theo lời bà Hạnh, là CJ “gạ gẫm, tán tỉnh đủ kiểu”, từ năm 2010 đến năm 2015 mới chốt.