Mỗi khi cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tìm kiếm các khoản vay và sự hỗ trợ từ người đồng minh Trung Quốc, ông đều nhận được câu trả lời đồng ý.
Sau nhiều năm xây dựng và thương lượng với Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC), một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Bắc Kinh, Dự án Phát triển Cảng Hambantota thất bại, đúng như dự tính.
Trong số hàng chục nghìn tàu bè đi qua khi di chuyển dọc một trong những tuyến vận tải đông đúc nhất thế giới, cảng biển này chỉ thu hút được 34 tàu trong năm 2012.
Và sau đó, cảng biển “rơi vào tay” Trung Quốc.
Ông Rajapaksa thất cử năm 2015 nhưng chính quyền mới của Sri Lanka cũng rất chật vật để thanh toán khoản nợ mà ông đã vay. Dưới áp lực nặng nề và sau nhiều tháng đàm phán với Trung Quốc, chính quyền Sri Lanka đã chuyển giao quyền sử dụng cảng cùng hơn 6.000 hecta đất cho Trung Quốc trong vòng 99 năm.
Quyết định này trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát một khu vực chỉ nằm cách bờ biển của đối thủ Ấn Độ vài trăm dặm, đồng thời là một vị trí chiến lược dọc theo tuyến đường thủy thương mại – quân sự quan trọng.
Cách “khuất phục một đất nước”
Đây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về cách sử dụng các khoản vay cũng như viện trợ đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm giành lấy ảnh hưởng trên thế giới.
Thỏa thuận về khoản nợ cũng làm gia tăng một số cáo buộc gay gắt nhất về Sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng các chương trình cho vay và đầu tư toàn cầu đang mở rộng “chiếc bẫy nợ” mà Trung Quốc giăng ra với những quốc gia yếu kém trên thế giới, làm gia tăng tham nhũng và các hành vi chuyên quyền tại các nền dân chủ vẫn còn đang phải đấu tranh.
Cảng Hambantota. Ảnh: NYT
Nhiều tháng phỏng vấn với các quan chức Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, phương Tây và phân tích các tài liệu cũng như thỏa thuận liên quan tới dự án cảng đã cho thấy bức tranh khá rõ nét về cách mà Trung Quốc và các công ty dưới quyền quản lý của nước này đảm bảo lợi ích của mình tại một quốc gia nhỏ bé, cần tài chính.
– Trong các cuộc bầu cử năm 2015 của Sri Lanka, các khoản thanh toán lớn từ quỹ xây dựng cảng Trung Quốc được rót thẳng vào các hoạt động và công tác vận động bầu cử cho ông Rajapaksa, người đã chấp nhận các điều khoản của Trung Quốc và được coi là đồng minh quan trọng trong nỗ lực chuyển hướng tầm ảnh hưởng khỏi Ấn Độ ở khu vực Nam Á.
Các khoản thanh toán đã được xác nhận trong các cuộc điều tra của chính phủ.
– Mặc dù quan chức và các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định rằng lợi ích của Bắc Kinh ở cảng Hambantota thuần chất là thương mại nhưng các quan chức Sri Lanka cho hay, ngay từ đầu, khả năng chiến lược và tình báo của vị trí cảng biển này đã là một phần của thỏa thuận.
– Ban đầu, các điều khoản vay nợ trong dự án cảng đã trở nên nặng nề hơn khi giới chức Sri Lanka đề nghị thương lượng lại lộ trình và đầu tư thêm tiền. Và khi giới chức Sri Lanka tha thiết muốn gạt khoản nợ trong những năm gần đây, yêu cầu của Trung Quốc xoay quanh việc chuyển giao vốn chủ sở hữu ở cảng, chứ không cho phép giảm bớt các điều khoản.
– Mặc dù thỏa thuận đã xóa bỏ gần 1 tỉ USD nợ cho dự án cảng nhưng giờ đây Sri Lanka đang nợ nần Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết, trong khi các khoản nợ khác vẫn còn đó và tỷ suất cao hơn nhiều so với các chủ nợ quốc tế khác.
“John Adams có một câu nói rất nổi tiếng thế này: Cách để khuất phục một đất nước là bằng gươm đao hoặc nợ nần. Trung Quốc đã chọn cách thứ hai”, Brahma Chellaney, một nhà phân tích liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nhận định.
Giới chức Ấn Độ đặc biệt lo ngại rằng Sri Lanka chật vật tới mức chính phủ Trung Quốc có thể dùng phương án miễn nợ để đổi lấy quyền sử dụng các khu vực như cảng Hambantota cho mục đích quân sự – mặc dù thỏa thuận cho thuê cuối cùng cấm tiến hành các hoạt động quân sự ở đó mà không có lời mời của Sri Lanka.
“Cách duy nhất để biện hộ cho việc đầu tư vào cảng Hambantota là từ lập trường an ninh quốc gia – rằng việc này sẽ đưa quân đội Trung Quốc vào”, ông Shivshankar Menon, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ nói.
Yêu cầu của Trung Quốc
Quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka lâu nay vốn đã tốt đẹp, nhưng trong cuộc nội chiến kéo dài 26 năm của Sri Lanka, Trung Quốc mới trở thành nhân tố không thể thiếu.
Dưới thời của Tổng thống Rajapaksa, Sri Lanka phụ thuộc lớn vào Trung Quốc vì các hỗ trợ kinh tế, thiết bị quân sự và sự bảo trợ trước Liên Hợp Quốc.
Cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: Reuters
Nội chiến Sri Lanka kết thúc năm 2009, và khi đất nước vươn lên từ sự hỗn loạn, ông Rajapaksa và gia đình đã củng cố quyền lực của mình. Ở giai đoạn đỉnh cao, Tổng thống và 3 anh em trai còn kiểm soát nhiều cơ quan chính phủ và khoảng 80% chi tiêu chính phủ. Chính quyền các nước như Trung Quốc đàm phán trực tiếp với họ.
Vì thế khi kêu gọi tiến hành dự án phát triển cảng mới ở Hambatota, ông Rajapaksa không gặp trở ngại nào đáng kể.
Ngay từ đầu, nhiều quan chức Sri Lanka đã băn khoăn về sự khôn ngoan khi xây dựng cảng biển lớn thứ hai, tại một đất nước có diện tích chỉ bằng 1/4 nước Anh và dân số khoảng 22 triệu người, trong khi cảng biển ở thủ đô Colombo đang phát triển và vẫn còn có thể mở rộng được.
Các nghiên cứu do chính phủ tiến hành đã kết luận rằng cảng biển ở Hambantota không hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên ông Rajapaksa bật đèn xanh cho dự án và sau đó tuyên bố là Trung Quốc đã nhập cuộc.
Khoản vay lớn đầu tiên mà Sri Lanka nhận là 307 triệu USD từ Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được khoản vay, Sri Lanka buộc phải chọn công ty Cảng Trung Quốc (CHEC) làm đơn vị thi công. Thông tin này được WikiLeaks tiết lộ, dẫn nguồn từ Đại sứ quán Mỹ vào thời điểm đó.
Đây là một yêu cầu đặc trưng của Trung Quốc đối với các dự án của nước này khắp thế giới, thay vì mở một phiên đấu thầu công khai.
Ngoài ra, còn có nhiều sợi dây ràng buộc khác đối với khoản vay, dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhìn ra giá trị chiến lược của cảng Hambantota từ ban đầu.
Nihal Rodrigo, cựu Ngoại trưởng Sri Lanka cho hay, các cuộc đàm phán với giới chức Trung Quốc thời điểm đó đã nói rõ rằng chia sẻ tin tình báo là một phần của thỏa thuận. Trong cuộc phỏng vấn với The Times, ông Rodrigo đã mô tả lời nói của Trung Quốc là: “Chúng tôi muốn các anh cho chúng tôi biết ai tới và ai dừng lại ở đây”.
Thỏa thuận không chắc chắn
Hu Shisheng, giám đốc trung tâm nghiên cứu Nam Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc rõ ràng đã nhận ra được giá trị chiến lược của cảng Hambantota.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng: “Một khi Trung Quốc muốn khai thác giá trị địa chiến lược của cảng thì giá trị chiến lược của nó sẽ không còn nữa. Các nước lớn không thể tranh đấu ở Sri Lanka – nó sẽ bị cạn kiệt”.
Chính quyền mới muốn hướng Sri Lanka về phía Ấn Độ, Nhật Bản và phương Tây nhưng rồi họ nhận ra rằng không nước nào có thể lấp đầy chỗ trống về tài chính và kinh tế mà Trung Quốc để lại nếu nước này ra đi.
Một số quan chức chính phủ cay đắng phản đối điều khoản nhưng không còn lựa chọn nào khác. Thỏa thuận mới được ký vào tháng 7/2017 và có hiệu lực vào tháng 12.
Khi mới đàm phán, thỏa thuận để ngỏ việc liệu cảng biển và khu vực đất xung quanh có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng hay không nhưng thỏa thuận cuối cùng đã cấm các công ty nước ngoài sử dụng cảng vì mục đích quân sự trừ khi được chính quyền Colombo cho phép.
Sở dĩ có điều khoản đó là vì tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện ở Sri Lanka. Chính quyền mới của Sri Lanka đã cố gắng đảm bảo rằng cảng biển sẽ không đón tiếp tàu ngầm Trung Quốc một lần nữa – chủ yếu lo ngại vì các tàu ngầm khó bị phát hiện và thường được sử dụng để thu thập tin tình báo. Nhưng giới chức Sri Lanka có ít thực quyền.
Hiện nay, việc chuyển giao cảng Hambantota cho người Trung Quốc đã khơi dậy lo ngại về khả năng cảng bị sử dụng với mục đích quân sự – đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa trái phép các đảo, đá trên Biển Đông dù trước đó đã cam kết không làm như vậy.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền Sri Lanka, vốn đang chịu nhiều khoản nợ lớn của Trung Quốc, có thể sẽ bị ép phải chấp thuận.