Làm thế nào để giảm lãi suất cho vay trong dài hạn?

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2018 và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, mục tiêu giảm lãi suất cho vay tiếp tục là một trong những mục tiêu trọng tâm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngay sau đó, một số ngân hàng đã bắt đầu rục rịch điều chỉnh lãi suất cho vay, đặc biệt là cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp SME, doanh nghiệp khởi nghiệp,… Hiện nay, đã có 3 ngân hàng là Agribank, Vietcombank, VPBank có thông báo về việc điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, theo đó, mức hạ vào khoảng 0,5-1%. Đây có thể là báo hiệu cho làn sóng giảm lãi suất diện rộng hơn trên hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Tuy nhiên, giảm lãi suất trong thời gian tới vẫn sẽ gặp nhiều cản trở. Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng hiện vẫn còn vướng mắc về vấn đề nợ xấu, chi phí hoạt động của các ngân hàng còn cao, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đang thấp hơn với nhiều nước trong khu vực,… Việc giảm lãi suất ở một số ngân hàng hiện nay là một tín hiệu tốt, tuy nhiên điều này có bền vững và duy trì được lâu dài hay không hiện còn chưa rõ.

Tại buổi Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách Quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư”, về vấn đề kéo mặt bằng lãi suất xuống trong dài hạn, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc StoxPlus cho biết, theo quan sát của những nhà phân tích, khi ngân hàng chuyển sang ngân hàng bán lẻ, áp dụng công nghệ mới trong quản trị rủi ro, kết hợp với dữ liệu của CIC được bổ sung thêm những thông tin khác để đánh giá, phân loại khách hàng để có chính sách lãi suất cho từng loại khách hàng, cho từng loại dịch vụ sẽ là yếu tố sống còn để giảm mặt bằng lãi suất trong dài hạn.

Tuy nhiên, ông Thuân cũng cho biết các ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn đang trong thời kỳ đầu chuyển sang ngân hàng bán lẻ, mảng này hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng dư nợ trên toàn hệ thống. Trong khi đó, ở Châu Âu và nhiều nước trên thế giới, ngân hàng bán lẻ đã phát triển từ lâu và có tỷ trọng cao hơn nhiều.

Cũng tại Hội thảo, giải thích về việc lãi suất hiện nay vẫn bị cho là cao, ông Nguyễn Tú Anh – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, lãi suất cao có liên quan tới rủi ro tín dụng mà cụ thể là thông tin, dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ 5 năm hiện nay là 4,52%, lãi suất phát hành trái phiếu chỉnh phủ 30 năm hiện nay là 6,12%. Đây đều là những lãi suất thấp do có rủi ro gần như bằng 0. Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay do còn thiếu thông tin và rủi ro tín dụng còn lớn nên lãi suất cho vay các doanh nghiệp vẫn cao.

Ông cho rằng, để có lãi suất thấp, thông tin cung cấp cho các ngân hàng cần phải chính xác nhằm giảm lãi suất rủi ro xuống. “Khi chúng ta có thông tin tốt thì sẽ được hưởng lợi tốt, điều quan trọng để có thông tin tốt là hệ thống độc lập. Hãy để những người cung cấp thông tin tốt được hưởng lãi suất thấp hơn.”, ông nói.

Sau Vietcombank và Agribank, đến lượt VPBank hạ lãi suất cho vay

Bài viết mới