Ngành du lịch đặt mục tiêu năm nay đón khoảng 13 triệu khách quốc tế, tăng trên 30% so với năm trước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lẫn chuyên gia cho rằng đừng thấy lượng khách tăng trưởng cao mà lấy làm tự hào. Điều quan trọng không chỉ là thu hút được nhiều khách mà quan trọng là làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn, quay lại sớm hơn và có ấn tượng tốt về du lịch Việt.
Khách đến nhiều, chi tiêu nhỏ giọt
Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch từ châu Á đến Việt Nam (VN) tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng khách từ Trung Quốc tăng rất nóng 45,6%. Dù lượng khách đến VN tăng mạnh nhưng ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký – Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho biết chi tiêu bình quân của du khách Trung Quốc rất thấp, khoảng 638 USD/người và nhiều thị trường khác cũng khiêm tốn, chỉ đạt 943,8 USD/người.
Đó thực sự là nghịch lý đáng buồn trong thu hút khách du lịch hiện nay. Đây cũng là lý do vì sao tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến. Đơn cử trong chín tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM đạt 4,2 triệu lượt khách, tăng 16,6% so với cùng kỳ nhưng doanh thu du lịch chỉ tăng 10%.
“Việc tăng trưởng nóng của một số thị trường sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng du lịch về số lượng nhưng không đảm bảo về chất lượng. Không chỉ vậy, nó gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng như khách sạn, sân bay, các địa danh du lịch. Sự quá tải sức chứa tại các điểm đến có thể làm giảm chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, tức phát triển thiếu bền vững” – ông Chính cảnh báo.
Du khách từ các nước phương Tây giàu có như Mỹ, Canada, Tây Âu… chi tiêu tại Việt Nam còn rất ít. Ảnh: TÚ UYÊN
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Trans Viet, nhận xét du lịch VN đang chạy theo số lượng. Ví dụ, trong năm ngoái VN đón 10 triệu khách quốc tế nhưng thị trường cao cấp như Tây Âu chỉ chiếm chưa tới 20%.
Vì sao VN chưa thu hút được khách chi tiêu nhiều như Mỹ, Úc, châu Âu? Trả lời câu hỏi này, các công ty du lịch đều có chung nhận định nguyên nhân khách đến VN chi tiêu khiêm tốn do đẳng cấp và chất lượng các dịch vụ du lịch kém. Lượng khách đi theo đoàn, khách có tiền chưa trở thành phân khúc chính mà phần nhiều là khách “Tây ba lô”. VN có khá nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhưng nhiều nơi mất vệ sinh, ô nhiễm; nạn chèo kéo, chặt chém khiến khách nản lòng.
“Đặc biệt, khâu quảng bá yếu và thiếu điểm nhấn. Chẳng hạn, đến nay nhiều thị trường trọng điểm về du lịch vẫn chưa có văn phòng đại diện du lịch để thực hiện các hoạt động quảng bá và hỗ trợ đối tác bán hàng. Các điểm đến du lịch vẫn chưa tạo ra được sự khác biệt, mới lạ, độc đáo để thu hút du khách” – đại diện một công ty du lịch lữ hành phân tích.
Sáng tạo, khác biệt
Để thu hút khách từ các nước phương Tây giàu có như Mỹ, Canada, Tây Âu…, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hiểu du khách cần gì thay vì chỉ làm những gì mình muốn. Cụ thể là khách Tây thường ít mua sắm mà chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ thư giãn, giải trí. Do vậy, muốn khách chi tiêu nhiều hơn cần đầu tư sâu vào mảng này và sản phẩm, dịch vụ phải đa dạng, cung cấp nhiều cơ hội trải nghiệm cho khách.
Đặc biệt, nếu muốn níu chân họ ở lại dài ngày thì phải giữ gìn sự nguyên sơ của rừng nguyên sinh, các điểm đến luôn xanh, sạch, đẹp và văn minh. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng nên nhắm tới những du khách có tiền hoặc khách lớn tuổi từ những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh.
Theo thống kê, năm 2016 VN đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, du lịch VN đóng góp trực tiếp vào GDP là 9,3 tỉ USD trong khi du lịch Thái Lan đóng góp 36,7 tỉ USD, Malaysia 14 tỉ USD.
“Du lịch là thế mạnh của nước ta, do vậy cần phải có các ý tưởng sáng tạo, tạo ra sự khác biệt để hấp dẫn khách. Đồng thời, quản lý tốt các nguồn thông tin phản hồi về chất lượng dịch vụ phục vụ từ du khách để có sự điều chỉnh kịp thời” – ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, gợi ý.
Phó Giám đốc Công ty Du lịch Trans Viet Nguyễn Tiến Đạt thì đề nghị cần giảm lệ phí thị thực và tăng cường quảng bá, tiếp thị một cách chuyên nghiệp. Bởi một trong những cách nhanh nhất để thu hút khách từ các thị trường cao cấp là nới lỏng chính sách visa. Đáng tiếc là trong thời gian qua chính sách về miễn visa cho năm quốc gia Tây Âu thiếu ổn định, gây khó khăn cho du khách lẫn doanh nghiệp du lịch.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch VN Hoàng Nhân Chính đề nghị ưu tiên phát triển các thị trường có mức chi tiêu bình quân lượt khách cao trên 1.300 USD như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nga… bằng cách mở rộng chính sách miễn visa. Đồng thời mở rộng danh sách được cấp visa điện tử cho các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và Ấn Độ.
“Chính sách miễn thị thực hiện tại chưa có sự thay đổi nào lớn. Thủ tục nhập cảnh điện tử mở rộng chưa đâu vào đâu. Rõ ràng, nếu chậm hoặc không thực hiện các giải pháp trên thì hướng phát triển du lịch sẽ lệch lạc” – ông Chính nhấn mạnh.
Kéo du khách Mỹ đến Việt Nam
Tại tọa đàm thúc đẩy phát triển du lịch VN-Mỹ mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, cho hay người dân Mỹ rất đam mê du lịch. Số lượng người đi du lịch và chi tiêu của họ luôn đứng đầu thế giới. Riêng năm ngoái, tổng lượng khách Mỹ đi du lịch các nước là 80 triệu lượt, chi tiêu khoảng 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, VN mới chỉ đón được 552.650 lượt khách, chiếm 15,6% trên tổng lượt khách Mỹ đến khu vực Đông Nam Á và hơn 10% lượng khách đến châu Á. “Vì thế cần chọn Mỹ là điểm đột phá và là một trong tốp 10 thị trường đưa khách hàng đầu đến VN” – ông Bình nói.
Để biết nhiều hơn về thị trường du lịch Mỹ, các đối tác Mỹ khuyến nghị tốt nhất là công ty lữ hành Việt nên tham gia và trở thành thành viên của Hiệp hội Du lịch Mỹ (ASTA). Bởi ASTA là hiệp hội lữ hành lớn nhất, đặc biệt với mảng đưa công dân Mỹ đi du lịch nước ngoài.