Sáng nay, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết tổng mức giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD). Trong đó, 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ xây dựng khu tái định cư.
Ngoài ra, gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Theo tờ trình, nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương gần 22.000 tỉ đồng, chiếm 95% tổng mức đầu tư. Trung ương cũng ứng nốt hơn 1.100 tỉ đồng (chiếm 5%) còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính – Ảnh: Nguyễn Nam
Tại họp tổ của Đoàn Đại biểu QH (ĐBQH) Cần Thơ, Bình Thuận và Quảng Ninh, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến cần bài bản, có hệ thống để nêu bật việc giải phóng mặt bằng là vì lợi ích chung, vì đất nước.
“Người dân khi không thông thì có nhiều tiền cũng khó nhưng khi nhân dân thông rồi thì có thiệt chút người dân cũng sẵn sàng dời đi”- ông Chính nói.
Theo ông Phạm Minh Chính, cần phân loại chi tiết số hộ phụ thuộc vào đất đai, rồi đào tạo nghề tính đến từng trường hợp. Việc phân loại đầy đủ, chính xác hơn sẽ làm người dân thông cảm và dễ chia sẻ hơn.
Về việc để người dân tự lựa chọn phương án tái định cư phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình thì hợp lý và dễ thuyết phục hơn là quy hoạch hết vào một nơi. Một vấn đề nữa là quan tâm là quy hoạch trường học, y tế, chợ… phù hợp nhu cầu, thói quen người dân và theo hướng hiện đại lên.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương băn khoăn về nguồn vốn đến 23.000 tỉ đồng cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng (GPMB) thì nguồn vốn hiện nay mới dành 5.000 tỉ đồng, còn lại thiếu từ 15-18.000 tỉ đồng mà chưa thấy Bộ GTVT nêu rõ lấy đâu ra?
Hiến kế giải quyết số tiền GPMB khổng lồ tới trên 1 tỉ USD này, người đứng đầu ngành Tổ chức cả nước nhấn mạnh: “Tiết kiệm là 1 giải pháp hữu hiệu và rất khả thi. Bởi hiện nay chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách nếu tiết kiệm thì rất hiệu quả. Kinh nghiệm năm 2011 kinh tế đất nước khó khăn đã giảm được chi thường xuyên tới 10%”.
Ông Phạm Minh Chính phân tích hiện chi thường xuyên 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 2,2 lần so với 5 năm trước đó (tức giai đoạn 2011-2015, dành 65% tổng chi ngân sách nhà nước, tức là tăng 2,2 lần so với 5 năm trước 2006-2011, đây là con số tăng rất lớn). Tăng ở đây chủ yếu tập trung vào chi lương và các khoản phụ cấp 62,8%, còn lại là chi hành chính.
Dự kiến chi năm 2017 là gần 1 triệu ngàn tỉ đồng, chỉ 1% thì đã có gần 10.000 tỉ đồng.
Đặc biệt dưới góc nhìn của người làm công tác tổ chức, ông Phạm Minh Chính dẫn dư địa tiết kiệm trong chi thường xuyên còn được “hỗ trợ” bởi Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế, trong tổng số 4 triệu người ăn lương hiện nay.
Ông Chính dẫn ví dụ tính khả thi đề xuất mình khi TP Hà Nội trong 2 năm vừa qua giảm chi tới 4.000-5.000 tỉ đồng.
“Có mặt Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại đây, tôi tha thiết đề nghị Chủ tịch QH cho nghiên cứu để đề nghị QH quyết việc tiết kiệm và Chính phủ tiến hành thực hiện. Tiết kiệm 2 năm, mỗi năm chỉ cần 1% thì được 20.000 tỉ đồng, chứ cũng không thấy trông vào khoản nào để tính GPMB sân bay Long Thành. Tôi tha thiết mong có tiết kiệm và tôi tin tiết kiệm là được. Nếu làm dấn tiết kiệm 5 năm thì được tới 50.000 tỉ đồng”- ông Chính đề nghị.
Làm rõ thêm, ông Chính cho rằng tiết kiệm cũng tạo áp lực cho tinh giản biên chế, tinh gọn sắp xếp bộ máy đã có chủ trương thực hiện mạnh trong thời gian tới.
“Tiết kiệm cũng không đến mức thắt lưng buộc bụng quá, chỉ 1% mỗi tỉnh, bộ ngành từ giảm các khoản chi sửa chữa công sở, hội họp, kỷ niệm…”- ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất của ông Phạm Minh Chính, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận: “Các tỉnh, các Bộ ngành tiết kiệm mỗi năm 1 chút trong 5 năm cũng được ra tấm ra món. Tiết kiệm cũng không đến mức toàn dân phải thắt lưng buộc bụng. Vì là cắt giảm lễ hội, hội họp… Kể cả lễ hội do doanh nghiệp (DN) tài trợ, do xã hội hoá. Doanh nghiệp đóng góp mấy chục tỉ đồng cho lễ hội có thể dành cho việc khác cấp thiết hơn. Tất nhiên là DN cũng có lợi trong quảng cáo khi tài trợ cho lễ hội”.
Chủ tịch QH cũng đề nghị dùng nguồn vốn dành cho công trình khác trong nhóm công trình trọng điểm quốc gia để GPMB sân bay Long Thành.
Chủ tịch QH cũng băn khoăn việc tái định cư cho hộ dân tới mấy trăm mét vuông thì có khó khăn cho dân nộp thuế, xây dựng sau này không, cần phân tích làm rõ. Nhất là suất tái định cư tối thiểu nếu người dân không đủ tiền mua thì nhà nước có hỗ trợ không.
“Dân được đền bù 300 triệu đồng mà suất đất tối thiểu 500 triệu đồng thì có dân nghèo lấy đâu ra 200 triệu đồng nữa? Cái này nhà nước phải tính, chứ không thể để dân ra đường được” – bà Ngân góp ý.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng nếu tái định cư tập trung thì phải quy hoạch hẳn thành 1 khu đô thị hiện đại, có tính lâu dài.
Đại biểu Yên Bái, ông Giàng A Chu góp ý nên thu hồi giải phóng 1 lần tránh như thủy điện Na Hang… trước đây. Mặt khác cần bố trí quỹ đất dự phòng. Có nên chăng tính đến phương án xây nhà cao tầng để tái định cư vừa tiết kiệm đất, kinh tế và cần có thăm dò nhu cầu bà con.
Dự án sân bay Long Thành có tổng diện tích hơn 5.500 ha, tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỉ đồng. Quy mô thiết kế 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sân bay Long Thành được thiết kế quy mô đạt cấp 4F, cấp cao nhất theo xếp hạng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Dự án sân bay Long Thành có tổng diện tích thu hồi đất của dự án là hơn 5.500 ha. Đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng gần 3.000 ha. Trong đó, khoảng hơn 4.700 hộ dân với 15.500 nhân khẩu bị thu hồi đất.
Qua khảo sát điều tra, xin ý kiến người dân bị thu hồi đất, 100% đều có nhu cầu nhận đất tái định cư. Theo quy hoạch, huyện Long Thành (Đồng Nai) sẽ có hai khu tái định cư là khu Lộc An – Bình Sơn và khu Bình Sơn.
Bộ GTVT cho biết tổng mức giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD). Trong đó, 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ xây dựng khu tái định cư.
Ngoài ra, gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.
Theo tờ trình, nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương gần 22.000 tỉ, chiếm 95% tổng mức đầu tư. Trung ương cũng ứng nốt hơn 1.100 tỉ đồng (chiếm 5%) còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định. Công suất 100 triệu khách mỗi năm.
Sân bay Long Thành năm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km.
Bộ GTVT khẳng định sân bay Long Thành được kỳ vọng là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Theo tờ trình, dự án sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 nhà ga, 1 đường cất hạ cánh với công suất 25 triệu khách/năm. Chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác.
Ở giai đoạn 2 (năm 2035), sân bay Long Thành được nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm và 100 triệu hành khách/năm sau năm 2035 (giai đoạn 3).