Làm ngân hàng đã khó, làm cán bộ ngân hàng chính sách xã hội còn gian truân hơn nhiều

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Kim Dung- Ngân hàng Chính sách xã hội Gò Vấp TP.HCM gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

——————

Gần đây, tôi đã làm một việc ngoại lệ: kết bạn trên facebook với hơn 100 người trong vòng 1 tuần. Một “kỷ lục” sau hơn 5 năm tham gia mạng xã hội. Nguyên nhân là do chúng tôi đang hướng tới kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Và thế là cứ thấy bạn nào có hình avatar 15 năm VBSP đồng hành cùng người nghèo là “chấp nhận” tất tần tật, không nề hà, soi xét… vì nhận ra đồng nghiệp của mình trên mọi miền Tổ quốc cùng chung mục đích “giảm nghèo bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận” rất đông vui và nhiều ý nghĩa.

Nhớ lại những ngày này cách đây 15 năm, hồi đó tôi còn là kế toán viên ở Ngân hàng phục vụ người nghèo trực thuộc Agribank Hải Phòng. Khi về xã giải ngân cho người nghèo, nhìn những anh nông dân, những chị nội trợ tay run run đếm xấp tiền cán bộ ngân hàng trao cho mà xúc động, có chị khi nhận tiền vay còn run đến nỗi không viết nổi tên mình vào phần ký nhận trên phiếu chi. Tôi phải nhẹ nhàng động viên: chị cứ bình tĩnh, em không giục đâu, chị chỉ cần viết đúng tên mình giống như trên giấy đề nghị vay vốn là được. Chị nói: “Tôi run quá cô ạ, từ bé đến giờ có vay mượn bao giờ đâu, mà cũng chưa được cầm tiền triệu bao giờ…”. Thương thật!

Đến khi có quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng sinh viên, tôi làm kế toán cho vay NHCSXH Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi giải ngân cho đối tượng sinh viên mồ côi, tôi hỏi thăm em về gia đình, trường học…em chia sẻ: “Ba em bỏ mẹ con em từ khi em còn nhỏ, mẹ bị sốc rồi thành bệnh tâm thần, em phải tự vay tiền đóng học phí và tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí ăn ở”. Nghe mà nhói lòng, tôi động viên em ráng học hành chăm chỉ để mai sau ra trường có công ăn việc làm, thu nhập ổn định rồi từ từ trả nợ cho Ngân hàng, một hồi sau khi ngẩng lên thấy em đang khóc, còn tôi thì mắt cũng đỏ hoe. Ấn tượng còn đọng lại trong lòng mãi tới bây giờ!

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã 15 năm, một khoảng thời gian không quá dài mà cũng không quá ngắn, đủ để chứng minh một quyết định đúng đắn, kịp thời của Chính phủ khi tách hoạt động tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Từ khi nhận bàn giao chương trình cho vay hộ nghèo từ Agribank, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước và cho vay Học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ VietinBank đến nay NHCSXH đã có hơn 20 chương trình cho vay trên toàn quốc. Từ khi tôi làm kế toán, kiểm soát, tín dụng, phó giám đốc rồi đến bây giờ là giám đốc một Phòng giao dịch phụ trách 2 quận trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh…bất cứ lúc nào và ở đâu, trên cương vị nào tôi cũng luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày hôm nay, đi đến đâu cũng thấy Biển hiệu ĐIỂM GIAO DỊCH XÃ…màu xanh lá mạ in cùng logo hình trái tim màu hồng cánh sen mang dòng chữ VBSP trên khắp mọi nẻo đường sao mà gần gũi, thân thương. Bản thân tôi thấy vinh dự và tự hào được luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từ thành thị cho đến nông thôn, từ miền núi cho đến hải đảo.

Làm ngân hàng thương mại đã vất vả, nhưng với người cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chúng tôi còn vất vả hơn, không quản mưa, nắng, ngày, giờ, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ…cứ có lịch giao dịch cố định là lên đường, đến tận Ủy ban nhân dân xã, phường phục vụ, còn khách hàng là còn giao dịch. Khi có hộ vay có nhu cầu, chúng tôi cùng với Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn và Hội đoàn thể phường đến tận nơi, có nhà nằm sâu trong ngõ hẻm ngóc ngách, chỉ đủ che nắng, che mưa… để hiểu rõ hơn hoàn cảnh điều kiện sống và làm ăn của từng hộ vay rồi từ đó có giải pháp giúp đỡ, định hướng cho hộ dân có ý thức chịu khó làm ăn, tích lũy tiền gửi tiết kiệm trả nợ dần.

Có người dân cứ níu tay cán bộ Ngân hàng cảm ơn rối rít vì nếu không có NHCSXH thì họ phải vay tín dụng đen với lãi suất cao, chỉ lo trả lãi hàng tháng cũng “đuối” rồi, và chẳng biết bao giờ mới trả hết nợ gốc. Chỉ khi tận mắt thấy, tai nghe những hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn cơ cực của người nghèo, mới thấy mình còn may mắn, hạnh phúc hơn họ nhiều. Tự nhủ lòng mình còn cần phải cố gắng hơn nữa, phục vụ tốt hơn cho người dân, không bao giờ được phép đòi hỏi, sách nhiễu với người nghèo vì bản thân họ xứng đáng được tôn trọng, động viên khích lệ để họ chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xem thêm tất cả các bài viết dự thi

NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG

tại đây

Với các Ngân hàng thương mại khác, khi cho vay phải có thế chấp tài sản, hoặc chí ít cũng phải chứng minh thu nhập thì khi xảy ra rủi ro, có thể thanh lý tài sản, thu nhập để thu hồi nợ; còn với Ngân hàng Chính sách xã hội, đối tượng cho vay theo chỉ định của Chính phủ, người vay không phải thế chấp tài sản, chỉ thực hiện cho vay tín chấp, ủy thác một phần thông qua tổ chức chính trị xã hội là 4 Hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Do vậy, khi có hộ vay phát sinh nợ quá hạn, cán bộ Ngân hàng phải phối hợp cùng chính quyền địa phương và Hội đoàn thể đi đến từng nhà tuyên truyền, thuyết phục, động viên là chính chứ chẳng thể nào yêu cầu hộ vay bán nhà trả nợ cho Ngân hàng được, vì mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội mới là quan trọng hàng đầu. Nhiều lúc hộ vay cứ hứa hẹn hoài mà không thực hiện cam kết, bản thân tôi cũng nản lòng, đôi khi quá mệt mỏi, áp lực cũng muốn buông xuôi…nhưng sau đó lại phải tự động viên mình, xốc lại tinh thần, kiên trì nhẫn nại và cuối cùng đại đa số cũng thành công.

Hôm nay, nhìn lại chặng đường hơn 20 năm gắn bó với ngành Ngân hàng, trong đó có 15 năm đồng hành cùng NHCSXH, tôi thấy mình được nhiều hơn mất, thành công nhiều hơn thất bại và cao hơn cả là đã tìm được chỗ đứng trong lòng hộ nghèo tại những nơi mình đã công tác. Đi đến đâu nghe được lời động viên “giá mà ai cũng như cô thì công việc được giải quyết nhanh chóng”, hoặc “may mà có đồng vốn của ngân hàng, chứ nếu không thì chúng tối không biết phải làm sao”… thấy cũng ấm lòng biết bao! Mặc dù tôi biết, bản thân mình còn không ít hạn chế, cần phải tích cực học hỏi, phấn đấu nhiều hơn nữa nhưng với những gì tôi đã cống hiến trong 15 năm qua, tôi tự thấy mình đã lựa chọn con đường đi đúng đắn.

Với chặng đường phía trước cũng còn rất dài và không ít gian truân, song tôi tin tưởng rằng chúng tôi, những người cán bộ chân chính của NHCSXH luôn phấn đấu hết mình cho sự nghiệp chung, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và Chính phủ đã tin tưởng giao phó, đóng góp một phần nhỏ bé vào mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đưa nước nhà ngày một đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai.

‘Ký sự nghề” của cô giao dịch viên ngân hàng

Bài viết mới