Làm giàu từ cây hành, tỏi

Năm nay, người nông dân Kinh Môn đón một cái Tết thật ấm áp, tươi vui vì đây là Tết đầu tiên kể từ khi huyện đạt chuẩn nông thôn mới và giá hành, tỏi cao kỷ lục. Đây là hai cây trồng đã giúp nông dân Kinh Môn vươn lên làm giàu.

Cây trồng chủ lực

Từ nhiều năm nay cây hành, tỏi đã bén rễ trên đồng đất Kinh Môn. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, người dân giàu kinh nghiệm chăm sóc nên hai loại cây này phát triển thuận lợi, củ to, chắc, vị thơm và cay đặc trưng không nơi nào sánh kịp. Với sản lượng hơn 430.000 tấn/năm, hành, tỏi đã trở thành cây trồng làm giàu cho người dân địa phương.

Tại cánh đồng trồng hành thôn Đông Hà, xã An Phụ, chị Phùng Thị Phương phấn khởi cho biết, sau khi ăn Tết xong gia đình chị sẽ bắt tay vào thu hoạch gần 1 mẫu hành. Trước Tết, chị đã tỉa, loại những nhánh hành mọc giữa khóm để những nhánh khác xuống củ thuận lợi hơn, cũng là tạo độ thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại. Vụ đông trước, gia đình chị thu được gần 4 tấn hành khô, lãi gần 200 triệu đồng. Năm nay, giá hành, tỏi còn cao hơn năm trước nên dự kiến số lãi các gia đình thu được sẽ nhiều hơn.

Ngay từ khi còn hơn 1 tháng mới cho thu hoạch, nhiều thương lái đã đi thu mua tỏi của bà con nông dân với giá mua vo 15 triệu đồng/sào. Nhiều gia đình có diện tích tỏi phát triển đồng đều, củ to, mã đẹp, được mua với giá 18 triệu đồng/sào. Dù được thương lái trả giá cao nhưng hầu hết người dân đều chờ đến kỳ thu hoạch và đem về bảo quản tại nhà, chờ đến độ tháng 5, tháng 6 mới bán bởi thường thì giá tỏi khô thời điểm đó sẽ rất cao, 60.000-80.000 đồng/kg, gấp 4 lần so với giá bán thời điểm mới thu hoạch. Hành khô năm nay cũng tăng giá mạnh, có thời điểm lên đến 52.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo các tiểu thương thu mua hành tại chợ Huề Trì, xã An Phụ, giá hành, tỏi năm nay tăng cao do đợt vừa rồi, mưa lũ trong khu vực miền Trung, nhiều khả năng lượng hành,tỏi trong đó bị hỏng nhiều. Tiểu thương thu mua hành, tỏi của cac hộ dân trong huyện tập kết về đây, sơ chế sau đó xuất bán đi các tỉnh phía Nam. Đồng thời do thương hiệu hành, tỏi của huyện Kinh Môn ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nhiều nông dân thắng lớn, có gia đình bảo quản từ 4-5 tấn hành, bán thời điểm trước Tết thu về trên 200 triệu đồng.

Vụ đông hằng năm, huyện Kinh Môn gieo trồng trên 4.500 ha hành tỏi, giá trị kinh tế trên 1.000 tỷ đồng. Nhà trồng vài sào thì mỗi vụ cũng thu được 30-40 triệu đồng, gia đình nào trồng nhiều, vụ hành, tỏi có thể thu về cả trăm triệu đồng.

Những hướng đi mới

Từ nhiều năm nay, củ hành, tỏi Kinh Môn có mặt trên khắp các chợ trong cả nước, làm đậm đà hơn món ăn của người Việt và góp phần làm lên hương vị ngày Tết cổ truyền như trong câu đối xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Chất lượng hành, tỏi Kinh Môn được thị trường ưa chuộng và đánh giá cao. Năm 2017, cùng với gạo nếp cái hoa vàng, hành Kinh Môn lọt tốp 150 sản phẩm đoạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, khẳng định được vị thế, uy tín riêng.

Những thành quả ấy có được một phần lớn là nhờ huyện Kinh Môn luôn quan tâm, tạo điều kiện để người dân sản xuất. Để gia tăng hiệu quả kinh tế từ cây hành, tỏi, huyện khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến thực phẩm chức năng. Vụ đông năm nay, huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho mỗi mô hình trồng tỏi có quy mô từ 1-3 ha/vùng. Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngoài việc động viên nông dân bằng các chính sách hỗ trợ, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng sản xuất, quy hoạch những vùng chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ năm 2015, khi huyện Kinh Môn thực hiện Đề án “Dồn điền đổi thửa” đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất cây hành, tỏi. Trước khi dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ nông dân trong huyện có 3,6 thửa. Sau khi dồn đổi, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,88 thửa. Hệ thống mương, máng, giao thông nội đồng được quy hoạch thuận lợi cho việc trồng cấy. Đồng ruộng cũng thuận tiện cho nông dân phát huy hiệu quả sử dụng phương tiện, máy móc trong khâu làm đất trồng hành, tỏi.

Vụ đông năm nay, huyện Kinh Môn phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa thí điểm trồng tỏi theo phương thức hữu cơ trên diện tích 0,65 ha tại các xã: Hiệp Hòa, Thượng Quận, Hiến Thành, An Sinh, Bạch Đằng. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỏi theo hướng không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Việc trồng tỏi theo phương thức hữu cơ mở ra thêm một hướng phát triển cây tỏi. Nếu hiệu quả cao, Kinh Môn sẽ mở rộng mô hình này để có nguyên liệu sạch phục vụ chế biến thực phẩm chức năng và làm tỏi đen.

Không chỉ có tiếng ở trong tỉnh và khu vực, cây hành, tỏi Kinh Môn đã gây được ấn tượng tốt đẹp với cả nước ngoài. Ngày 18.1 vừa qua, Đoàn khảo sát Hiệp hội Hợp tác xã Nghiệp đoàn Farmers coop của Nhật Bản đã về khảo sát, tìm hiểu tình hình sản xuất cây tỏi tại đây. Hiệp hội đã thu thập những thông tin cần thiết làm cơ sở để nghiên cứu và triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch và phát triển cây tỏi Kinh Môn trong thời gian tới. Theo đó, Hiệp hội sẽ hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ trong sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; đồng thời bao tiêu xuất khẩu tỏi sang thị trường Nhật Bản.

Thêm một mùa xuân mới đang về trên đồng đất Kinh Môn, những ngôi nhà mới khang trang đang tiếp tục được xây dựng cạnh những con đường thẳng tắp, rộng rãi. Diện mạo của huyện nông thôn mới đầu tiên của Hải Dương đang đổi thay từng ngày. Có được điều đó một phần lớn là nhờ vào những vụ hành, tỏi bội thu và đang ngày một nâng cao giá trị./.

Ăn 280 tấn hành tỏi TQ mỗi ngày: Món ăn Việt gia vị Tàu



Bài viết mới