LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Mông Thị Thùy – GDV Vietinbank Lạng Sơn gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———————–
“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác” – câu nói của Xukhomlinski mà tôi rất tâm đắc. Sáu năm trước đây, là một sinh viên mới ra trường, tôi rất băn khoăn đâu là lý tưởng, đâu là công việc mà mình muốn tận hiến để không phí hoài tuổi trẻ, để ghi dấu cả đời. Tôi đã lựa chọn “ngân hàng” – một ngành nhiều vinh quang nhưng cũng đầy thách thức.
Khi đã là một phần của Ngân hàng, tôi mới biết đằng sau vẻ hào nhoáng mà mọi người vẫn tung hô là bao nhọc nhằn, vất vả. Những ngày đầu đi làm, tôi thực sự hoang mang và lo lắng. Bắt đầu công việc từ sớm, giao dịch với rất nhiều khách hàng, thu chi mấy chục tỷ đồng, kết thúc một ngày làm việc khi nhiều gia đình đã ăn xong bữa tối.
Công việc cũng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Nhiều khi gặp khách hàng nóng tính, hay bị khách mắng oan cũng chỉ biết nuốt ấm ức vào lòng rồi xin lỗi khách. Lại có khi bất cẩn nhận phải tiền giả, hoặc nhầm lẫn tiền nong, chưa kể đến chỉ tiêu huy động vốn, phát hành thẻ… Có những khi muốn buông bỏ, tìm một việc gì đó đỡ áp lực hơn để làm. Nhưng rồi đam mê được cống hiến trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và niềm vui trong công việc lại kéo tôi lại. Đó là niềm vui khi giải ngân cho các cá nhân, doanh nghiệp để đưa đồng vốn ngân hàng vào lưu thông, tạo thêm thu nhập cho mọi người, làm giàu cho xã hội. Đó là niềm vui khi phát hành những cuốn sổ tiết kiệm tình nghĩa mà ngân hàng giành tặng gia đình các thương binh, liệt sĩ nhân ngày 27 tháng 7; hay đơn giản chỉ là chuyển tiền thật nhanh cứu viện cho các em sinh viên đang mong ngóng tiền bố mẹ gửi.
Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm: Hôm ấy, buổi trưa nắng gắt sắp hết giờ giao dịch, một cô trung tuổi, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, lấm tấm mồ hôi, tay cầm chiếc nón đã xước cũ, cô đến chuyển tiền cho con đang học dưới Hà Nội. Số tiền một triệu tám trăm nghìn đồng, toàn bộ là tiền lẻ, được cô kẹp theo từng trăm nghìn một. Cô bảo “Con cô đang học ngân hàng năm thứ hai rồi, không biết bao giờ mới không phải gửi tiền nữa đây, mệt lắm rồi cháu ạ! Cháu làm đây, mẹ cháu chắc tự hào về cháu lắm nhỉ!”. Tôi bối rối cười trừ “Sau này con cô học xong cũng có thể làm như cháu, làm ngân hàng tuy mệt nhưng vui cô ạ!”.
Đơn giản vậy thôi, đôi khi một lời động viên, khen ngợi của khách hàng đủ làm xua tan bao nhọc nhằn. Càng gắn bó với ngân hàng, tôi lại càng yêu công việc này hơn, càng hăng say cống hiến sức trẻ, sức khỏe, và trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Đến cuối năm khối lượng công việc càng nhiều, ngày thường thì bảy tám giờ tối chúng tôi mới xong việc, bây giờ phải chín mười giờ, có hôm đón giao thừa tại cơ quan luôn. Chưa kể đến gần tết là nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ trong dân cư tăng mạnh. Nhiều hôm chúng tôi không nghỉ trưa, ngồi chọn lại tiền đã qua lưu thông để đổi giúp khách, cũng có khi phải rút cả tiền trong tài khoản bản thân để ứng trước lấy tiền mới cho khách. Đổi lại là nụ cười hạnh phúc của cụ ông, cụ bà “may quá, cô đổi cho, tôi có tiền phát cho lũ cháu rồi” hay như anh chị công nhân “anh chị mang về biếu bố mẹ, để các cụ mừng tuổi, đi làm xa cả năm rồi, ông bà ở nhà trông cháu, vất vả lắm cô ạ!” những câu nói chân chất mộc mạc ấy đủ khiến tôi xúc động và hạnh phúc vì đã mang lại niềm vui cho nhiều người.
Tôi làm giao dịch viên đã sáu năm, vẫn ước ao được đi về trong buổi chiều còn nắng, chút nắng tàn cũng được, để được mặc áo chống nắng, giống các chị em ngành khác, nhưng có lẽ ước ao này hơi thiếu thực tế. Làm ngân hàng quả thực luôn thiếu thốn thời gian. Vài năm trước, có rất nhiều lần bạn bè gửi cho tôi bài viết về “tình trạng gái ngân hàng đang ế mức báo động”. May mắn sau đó tôi cũng lập gia đình. Nhưng không nhiều người như tôi, con số nữ nhân viên ngân hàng chưa lập gia đình ở cơ quan tôi đang có xu hướng gia tăng. Làm nghề này như làm dâu trăm họ, nhưng nhiều chị lại chưa được làm dâu đúng nghĩa. Nhiều khách hàng không biết đằng sau vẻ ngoài đằm thắm, mặn mà của chị giao dịch viên hay cười nói là những nỗi niềm ưu tư của một phụ nữ đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn lẻ bước đi về.
Bản thân nhân viên ngân hàng đã thiệt thòi, nhưng con cái nhân viên ngân hàng còn thiệt thòi hơn. Nếu không được sự hỗ trợ của ông bà hay có ai giúp đỡ thì chúng thường xuyên bị bố mẹ đón về muộn nhất lớp. Khi đã đóng cửa ngân hàng, bên trong chúng tôi vẫn làm việc miệt mài, ngoài sảnh là lũ trẻ đã được cha mẹ đón về, chúng tự chơi đùa, kết bạn với nhau, đứa thì đọc truyện, đứa thì cầm smartphone, đứa thì chạy nhảy – trong lúc chờ mẹ xong việc, hoặc chờ bố đến đón về trước.
Tất cả những gì tôi vừa nêu chưa phải là đầy đủ hết những thách thức, khó khăn của ngành ngân hàng, nhưng với niềm yêu nghề, lòng đam mê, nhiệt huyết tôi cũng như tất cả các đồng nghiệp trong ngành đều cố gắng hết mình khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” – có lẽ đây chính là chìa khóa cho những ai đang kiếm tìm sự thành công thực sự trong cuộc sống. Và với tôi – một nhân viên ngân hàng thì thành công đơn giản chỉ là nụ cười hài lòng của khách hàng!