Theo hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) của Liên hiệp Quốc phiên bản mới nhất (2008) định nghĩa, vốn bao gồm tài sản được tạo ra từ quá trình sản xuất (Produced assets) và tài sản không từ sản xuất tạo ra (Non-produced assets).
Có ba loại tài sản sản xuất chính: tài sản cố định, hàng tồn kho và vật có giá trị. Tài sản cố định và hàng tồn kho là tài sản được nắm giữ bởi các nhà sản xuất với mục đích sản xuất. Vật có giá trị có thể được nắm giữ bởi bất kỳ đơn vị thể chế nào.
3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ cần hơn 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng. (Ảnh minh họa: KT).
Tài sản không từ quá trình sản xuất tạo ra bao gồm ba loại: tài nguyên thiên nhiên, đất đai; hợp đồng, cho thuê và giấy phép; tài sản là sự thiện chí và thị trường.
Ở Việt Nam, các tài sản từ sản xuất được các ngành và các thành phần kinh tế quản lý, tài sản là đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên do Nhà nước quản lý.
Do định nghĩa không rành mạch về đất công và tài sản công, nên thực chất đất công và tài sản công được quản lý bởi những cá nhân hoặc một nhóm nhỏ do cá nhân có quyền lực đứng đầu địa phương gần như toàn quyền quyết định khối tài sản khổng lồ của Nhân dân.
Chính vì bản tính tham lam của con người mà người ta cần đến luật pháp và những minh bạch trong các định nghĩa.
Khi khái niệm mơ hồ thì việc đánh tráo khái niệm là không thể tránh khỏi. Nhưng quan trọng hơn cả là sự đánh tráo khái niệm này dẫn đến thất thoát nguồn lực của đất nước vô cùng lớn; tài sản của đất nước, của Nhân dân chảy vào túi nhóm lợi ích và cá nhân người có chức có quyền.
Thực tế đã có những cảnh người dân bị cưỡng chế và thu hồi đất đai bất hợp pháp. Và Nhà nước thu được gì từ những vụ chuyển nhượng, bán chác không minh bạch? Nhà nước không được gì, người dân mất nơi ăn chốn ở!
Sắp tới đây có thể Quốc hội thông qua luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và dự tính sẽ chi hơn 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu này từ nay đến năm 2030.
Phú Quốc (Kiên Giang) được chọn là 1 trong 3 đặc khu kinh tế. (Ảnh: KT). |
Điều kỳ vọng ở 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) này là gì? Tại sao lại chọn 3 điểm ấy làm đặc khu mà không phải là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Những ngành nào khi phát triển 3 đặc khu sẽ lan tỏa đến nền kinh tế chung của đất nước? Ví dụ như tại đặc khu Vân Đồn có xây dựng và phát triển sòng bài, như vậy họ kỳ vọng ngành này sẽ lan tỏa thế nào đến cả nước?
Trong lúc ngân sách rất khó khăn, mỗi năm từ nay đến 2030 ngân sách phải chi ra khoảng 1.500 tỷ để xây dựng đặc khu trong khi dự định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Được hưởng thuế suất 10% trong 30 năm. Riêng thu nhập từ đầu tư – kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%…
Nếu thế, trong khoảng mấy chục năm nữa ngân sách chỉ có chi cho dự án này mà không có thu. Lợi nhuận rơi vào túi nhà đầu tư nước ngoài trong khi người dân cả nước sẽ phải oằn lưng đóng thuế để làm lợi cho những người mà chẳng liên quan gì đến họ.
Kinh nghiệm trước đây cho thấy, từ những năm 1990 khi các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên như nấm, sau 30 năm nền công nghiệp chế biến Việt Nam trở thành một nền công nghiệp gia công toàn diện, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến cơ bản là xuất khẩu hộ nước khác, xuất khẩu của nhóm ngành này còn gây nên ô nhiễm môi trường trầm trọng ở Việt Nam.
Đến nay, có trên 300 khu công nghiệp chiếm gần 10.000 ha đất nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng nhỏ. Ngoài vấn đề môi trường, tài nguyên đất cũng được sử dụng quá lãng phí.
Kỳ vọng từ năm 2020 trở đi, tổng sản phẩm nội trên địa bàn (GRDP) của 3 đặc khu tăng lên, nhưng nếu lập đặc khu chỉ để có thế thì lập đặc khu làm gì? Ngay việc dự tính bỏ ra hơn 1,5 triệu tỷ đồng đã làm GRDP của các vùng đó tăng lên rồi. Vấn đề là tăng lên rồi sao nữa? Hay người dân toàn quốc phải đóng thuế nhiều hơn để nuôi dân ở 3 đặc khu đó và các nhà đầu tư nước ngoài?./.