Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp xem xét nội dung báo cáo và kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) do Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 1,8 tỉ USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay là 30%/70%. Như vậy khoản vay dự kiến là 1,2 tỉ USD và đang trong giai đoạn thu xếp vốn. PVN cho rằng để đảm bảo khả năng thu xếp vốn cho dự án cần thiết phải có một số cơ chế đặc thù, trong đó có việc bảo lãnh vốn của Chính phủ.
“Nếu không có bảo lãnh vay vốn của Chính phủ, dự án sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài và vay thương mại. Công tác thu xếp vốn đang bị chậm nhiều so với kế hoạch có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ lựa chọn nhà thầu EPC và tiến độ triển khai dự án”- PVN cho biết.
Hiện nay, xăng của Dung Quất có lợi thế hơn về thuế so với xăng nhập khẩu. Nhiều đầu mối xăng dầu trong nước cho hay đã giảm mua xăng của Hàn Quốc để thay thế bằng nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh này sẽ mất đi khi thời điểm năm 2024 đến gần và thuế nhập khẩu xăng về 0% theo quy định của các hiệp định thương mại tự do.
Do đó, PVN tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu trình Thủ tướng ban hành cơ chế ưu đãi bổ sung cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về thuế đối với sản phẩm xăng dầu của nhà máy Dung Quất.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ không nên đứng ra bảo lãnh vốn vay cho dự án này. Bởi trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nếu Chính phủ tiếp tục đứng ra bảo lãnh vay vốn sẽ rất mạo hiểm, tạo ra lỗ hổng đối với ngân sách, đẩy nợ công tăng cao.
“Chúng ta đang tính toán Chính phủ không bảo lãnh vay các dự án. DN nào cũng đòi cơ chế đặc thù sẽ vô cùng nguy hiểm, Chính phủ cần xem xét thận trọng, xem dự án đó có hiệu quả hay không bởi nếu dự án có hiệu quả thì các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước sẵn sàng cho vay mà không cần Chính phủ đứng ra bảo lãnh”- Ông Long nói.
Tư duy vay vốn nhờ bảo lãnh Chính phủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng.
Theo Bộ Tài chính, đến 31-12-2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đã lên tới trên 459.000 tỉ đồng (xấp xỉ 21 tỉ USD), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.