Ông Phong đánh giá, tín dụng tiêu dùng mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam nhưng đã có những mốc tăng trưởng ấn tượng, là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, hạn chế tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường. Tuy nhiên cần có điều chỉnh để tránh các rủi ro.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước)
Ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát Tổng hợp, Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng lo ngại với lãi suất cho vay ở mức 30-40% thì chỉ không lâu, tiền lãi đã bằng tiền gốc cho vay, tạo ra khó khăn trả nợ cho khách hàng. Vì thế nên chăng có biện pháp hạ lãi suất thông qua tiết giảm chi phí, nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin.
“Tôi muốn nhắc các công ty tài chính về lãi suất tiêu dùng tiêu dùng, lãi suất cao quá, trên 30, 40% thì ai chịu nổi, rồi thu nợ kiểu xã hội đen thì ai chấp nhận. Bên cạnh đó cần công khai minh bạch lãi suất, hợp đồng rõ ràng. Với người đi vay, lời khuyên phải tìm hiểu kỹ những quy định, thời hạn trả, lãi suất tránh rơi vào bẫy”, ông Phong nói.
Lý giải về lãi suất cao, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Huy động nguồn vốn FE Credit nói: lãi suất vay của khách hàng gồm 3 phần: chi phí vốn của công ty tài chính, chi phí vận hành công ty tài chính, chi phí quản lý rủi ro.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Huy động nguồn vốn FE Credit |
Về chi phí vốn, chúng tôi không được vay của cá nhân, phải vay của doanh nghiệp, tổ chức khác, ngân hàng… nên lãi suất phải trả cao hơn nhiều giá mà ngân hàng đang trả lãi suất cho người gửi tiền.
Bên cạnh đó, chi phí vận hành cao do các khoản vay tiêu dùng giá trị nhỏ lẻ, thời hạn ngắn. Đối tượng vay thường là người thu nhập thấp, ý thức kỷ luật tài chính thấp nên rủi ro cao hơn. Đó là những lý do khiến tổ chức tín dụng thường tính lãi suất cao.
“Thực tế nếu khách hàng dùng tín dụng tiêu dùng của ngân hàng lớn như thẻ cao cấp thì lãi suất cho vay cũng đã 35%. Còn chúng tôi cho vay tiêu dùng trung bình 40%-50%. Nếu sánh với lãi suất cho vay thế chấp của ngân hàng thì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn rất nhiều nhưng rõ ràng, nếu so sánh lãi suất cho vay tín chấp thì không cao hơn bao nhiêu”, ông Phúc so sánh.
Ông Phúc cũng khẳng định không có chuyện “bẫy lãi suất” đối với khách hàng vì mọi thông tin về lãi suất, hợp đồng đều được công khai. Lãi suất được tính theo năm để khách hàng dễ sàng so sánh, tính toán.
Liên quan đến những khiếu nại của khách hàng thời gian gần đây với FE Credit, ông Phúc lý giải: “Khi bước vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, chúng tôi xác định đây là kênh cho vay rủi ro. Chính vì thế chúng tôi có quy trình rất chặt chẽ với các đối tác, khách hàng.Tuy nhiên với 16.000 con người làm việc ở các khâu, không tránh khỏi một vài cá nhân vì chỉ tiêu mà làm sai lệch quy định của công ty. Chúng tôi rất buồn lòng nhưng trong quá trình phát triển liên tục, nhận được những phản hồi như vậy chúng tôi chỉnh sửa để tiến bộ hơn”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDVcho biết, lãi suất của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng hiện khoảng 20-50%/năm tùy thuộc vào khoản vay, thời hạn, rủi ro. “Lãi suất như vậy khá cao nhưng so với quốc tế thìtôi cho đây là mức trung bình. Cụ thể, lãi suất cho vay tiêu dùng tại Trung Quốc từ 15- 40%; Brazil 30- 70%; Ấn Độ khoảng 20- 50%…”, ông Lực cho biết.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV |
Theo ông, lãi suất cao không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới vì 3 lý do: bản thân công ty tài chính khác ngân hàng thương mại vì họ phải đi vay vốn từ các thị trường khác, công ty tài chính, ngân hàng…
Họ chấp nhận rủi ro khi cho vay ở mức độ cao hơn, cho vay không thế chấp, thủ tục phê duyệt nhanh chóng. Chẳng hạn với ngân hàng thường mất từ 1-2 ngày, còn công ty tài chính chỉ mất 1 tiếng. Những điều đó khiến không chỉ lãi suất mà nợ xấu của công ty tài chính cao hơn (khoảng 5%).
‘Tuy nhiên chúng ta mong lãi suất giảm càng nhiều càng tốt. Đấy là quyền lợi cho người tiêu dùng, công ty tài chính. Vì lãi suất vừa phải, sẽ đảm bảo khả năng trả nợ của khách hàng tốt hơn.
Để giảm lãi suất, các công ty tài chính cần giảm chi phí hoạt động nhưng sẽ không được nhiều do họ vẫn phải huy động vốn như vậy, vận hành như vậy, có thể giảm chút ít nhưng không đáng kể.
Còn nếu áp dụng bài toán cũ là áp trần lãi suất cho vay thì không nên, vì áp dụng trần lãi suất, các công ty sẽ không muốn cho vay, hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, hộ gia đình, triệt tiêu tín dụng tiêu dùng”, ông Lực nói.
Ông Lực cho biết, trước đây Luật dân sự có bàn thảo về áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng 20% nhưng chúng ta hướng đến cơ chế thị trường, cho phép thỏa thuận lãi suất, Chính phủ đã giao cho NHNN hướng dẫn cho vay nói chung và tiêu dùng nói riêng. NHNN đang làm theo hướng giảm bớt các công cụ hành chính, không muốn áp trần lãi suất.
“Áp trần lãi suất có hai mặt, cái được của nó là giảm được lãi suất nhưng cái không được là kìm hãm tín dụng tiêu dùng. Với mức lãi suất 20%, rủi ro như thế thì công ty tài chính không dám cho vay, họ sẽ đầu tư chỗ khác và như thế kìm hãm sự phát triển tài chính tiêu dùng, khả năng tiếp cận tín dụng, làm tăng tín dụng đen. Khi người dân không có tín dụng chính thức sẽ vay tín dụng đen, lãi suất cao hơn, rủi ro cao hơn và hệ lụy xã hội cao hơn rất nhiều”, ông Lực nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) |
TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho biết, theo các quy định hiện hành (Luật các TCTD và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN), TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay theo quy định của pháp luật trừ lãi suất cho vay áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Cho vay tiêu dùng là hoạt động đáp ứng nhu cầu mua sắm cá nhân, hàng hóa, đồ dùng gia đình…do đó lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này do TCTD và khách hàng thỏa thuận phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ông khẳng định NHNN có chế tài đủ mạnh để công ty tài chính, tổ chức tín dụng tuân thủ quy định của Nhà nước về cho vay tiêu dùng. NHNN nắm rõ mặt bằng lãi suất và luôn theo dõi biến động.