Thay vì xu hướng giảm đồng loạt như trước, một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh tiền gửi dân cư có dấu hiệu chững lại.
Từ đầu tháng 4 đến nay, khảo sát của VnExpress cho thấy có 6 nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm, gồm VPBank, SHB, Eximbank, HDBank, MSB và Kienlongbank.
VPBank tăng mạnh nhất, điều chỉnh từ 0,1% đến 0,5% ở tất cả kỳ hạn. Kỳ hạn tăng cao nhất là 12 tháng, từ mức 4,2% lên 4,7% một năm khi gửi tại quầy, và từ 4,3% lên 4,8% khi gửi trực tuyến.
Tại một số nhà băng khác cũng tăng lãi suất như MSB, SHB, Eximbank, HDBank, mức tăng phổ biến 0,2% và thường chỉ áp dụng cho một số kỳ hạn.
Tuy nhiên, số lượt giảm lãi suất vẫn chiếm áp đảo. Trong vài tuần qua, có hơn 10 nhà băng hạ lãi suất, gồm hai nhà băng quốc doanh Vietcombank, VietinBank (giảm 0,1-0,2% ở tất cả kỳ hạn). Bên cạnh đó, các nhà băng tư nhân như Techcombank, ACB, TPBank, VIB, Sacombank, SeABank, ABBank, BVBank, SCB, Oceanbank, CBBank giảm từ 0,1% đến 0,5%.
Hiện, mức lãi suất cao nhất hệ thống cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là 5,8%, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng. Còn với khoản tiền gửi kỳ hạn không quá 12 tháng, lãi suất cao nhất là 5,3% tại NamABank và VietBank.
Xu hướng lãi suất bắt đầu có sự phân hóa thay vì giảm đồng loạt như trước. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu chững lại.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%. Tuy nhiên, thanh khoản của các ngân hàng vẫn rất dồi dào.
Về phía đầu ra, sau hai tháng tăng trưởng âm, tín dụng vào nền kinh tế tính đến hết quý I đã tăng trở lại. Có một số nhà băng dư nợ cho vay vẫn đang giảm nhưng tại nhiều đơn vị khác, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3-5% so với đầu năm. Tính đến 28/3, dư nợ tín dụng đạt 13,79 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng cũng được các lãnh đạo nhà băng dự báo trở nên tích cực hơn trong hai quý cuối năm.
Lãnh đạo giới ngân hàng cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.
Quỳnh Trang