Lãi suất ngày 12/3: Những ngân hàng nào còn áp dụng mức lãi suất trên 9%

TIN MỚI

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng trong sáng ngày 12/3 cho thấy, hiện có 15 ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân trên 9%/năm. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt vẫn có mức lãi suất cao nhất ở mức 9,5%/năm dành cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, nhận lãi cuối kỳ.

BaoVietBank hiện đang áp dụng mức lãi suất 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng theo hình thức gửi tiền online trên ứng dụng BAOVET Pay.

OCB đang niêm yết lãi suất cao nhất là 9,3% cho tất cả các khoản tiền gửi từ 13 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, nhận lãi cuối kỳ. Trong khi Kienlongbank áp dụng mức lãi suất này cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng theo hình thức gửi tiền online.

Mức 9,2%/năm đang được 9 ngân hàng áp dụng là VietBank, OceanBank, VietABank, Bac A Bank, PvcomBank, HDBank, DongABank và LienVietPostBank, ABBank. Trong đó, ngoại trừ VietBank áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng thì tại các ngân hàng còn lại, để được hưởng lãi suất cao nhất này, khách hàng phải gửi tại kỳ hạn 13 tháng (HDBank) hoặc 24 – 36 tháng.

Các ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,1% có VietABank, IVB, Saigonbank dành cho kỳ hạn 13 tháng hoặc từ 24 tháng trở lên.

Lãi suất huy động đã đồng loạt được điều chỉnh giảm trong những ngày gần đây, sau khi các ngân hàng đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II dựa trên những lập luận sau: (1) FED ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023, (2) NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, (3) nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect cho biết.

Về phía lãi suất cho vay, trong báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022. Tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Thực tế khảo sát của chúng tôi cho thấy đã có nhiều nhà băng giảm lãi suất cơ sở – lãi suất để tính lãi suất cho vay.

Tại Sacombank , lãi suất cơ sở cao nhất đối với các khoản vay trung và dài hạn, của khách hàng cá nhân giảm từ mức 10,4% hồi cuối tháng 2 xuống còn 10%/năm, áp dụng từ ngày 6/3.

Tại SeABank , lãi suất cơ sở đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ của khách hàng cá nhân hiện đang là 11%/năm, giảm 1% so với lần cập nhật trước.

Tại Techcombank , từ ngày 09/3/2023, lãi suất cơ sở đối với các gói vay của khách hàng doanh nghiệp có kỳ hạn 1-12 tháng áp dụng ở mức 10,23-11,53%/năm.

VPBank cũng đã cập nhật lãi suất cơ sở đối với các doanh nghiệp lớn. Theo đó, các khoản vay có kỳ hạn dưới 1 năm là 10,2-11%/năm.

Với TPBank , lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân là 10,25 -11,75%/năm; với doanh nghiệp là 9,55-10,65%/năm.

Các khoản vay trước 2019 đang được VIB áp dụng mức lãi suất cơ sở 11,5%. Với các dư nợ được giải ngân từ 2019, con số sẽ dao động từ 9,3-11,7%/năm.

SHB cũng đang áp dụng lãi suất cơ sở từ 10,7-11%/năm đối với các khoản tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có kỳ hạn dưới 12 tháng.

Thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ kinh doanh từ 3-4%. Với các đợt điều chỉnh lần này, gánh nặng lãi vay của các khách hàng trong giai đoạn thả nổi được kỳ vọng sẽ nhẹ hơn đáng kể.

Không chỉ giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, các ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói vay với lãi suất ưu đãi.

Lãi suất ngân hàng ngày 11/3: Gửi tiền chọn kỳ hạn nào và ở đâu để có lợi nhất?

Quốc Thụy

Nhịp sống Thị trường

Bài viết mới