Lãi suất ngân hàng ngày 23/2: Còn 8 nhà băng có lãi suất tiền gửi từ 9,5%/năm

TIN MỚI

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn cuối năm 2022. Đây là kết quả của quá trình hạ lãi suất liên tục từ đầu năm đến giờ.

Thời điểm tháng 1/2023, từng có đến hơn 20 ngân hàng chi trả lãi suất từ 9,5%/năm với các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, trong đó có nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất hai con số.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 8 ngân hàng duy trì mức lãi suất từ 9,5% (đối với kỳ hạn 12 tháng). Nhóm Big 4 gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV cùng các ngân hàng thương mại lớn (có quy mô huy động tiền gửi của khách hàng trên 300.000 tỷ đồng) hầu hết đã không còn niêm yết mức lãi suất huy động 9,5%/năm.

Lãi suất ngân hàng ngày 23/2: Còn 8 nhà băng có lãi suất tiền gửi từ 9,5%/năm - Ảnh 1.

8 ngân hàng còn trả lãi suất 9,5%/năm có thể kể đến là: Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, PVComBank, Saigonbank, Việt Á Bank, VietBank và SCB.

Lãi suất ngân hàng ngày 23/2: Còn 8 nhà băng có lãi suất tiền gửi từ 9,5%/năm - Ảnh 2.

Chỉ còn 8 ngân hàng duy trì mức lãi suất từ 9,5%/năm. (Ảnh minh họa)

Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 7,4%/năm với kênh quầy và 8,2%/năm với kênh online (tại VietinBank và BIDV), lãi suất tiền gửi tiết kiệm của nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn đã giảm liên tục trong 2 tháng qua.

Tại Techcombank, nhà băng này hiện chỉ áp dụng hai mốc lãi suất 6%/năm và 8,2-8,7%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng và 6 tháng trở lên, trên cả kênh quầy và online. Trong đó, mức lãi suất tối đa 8,7%/năm được ngân hàng áp dụng với các khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng, của nhóm khách hàng Private/VIP 1, kỳ hạn 6 tháng trở lên.

Tương tự, với trường hợp Sacombank, tháng 12/2022, ngân hàng vẫn chấp nhận chi trả cho các khoản tiền gửi 1-5 tháng mức lãi 6%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng trả 8,5-9%/năm; 12 tháng trở lên trả 9,1-9,2%/năm. Đến nay, mặt bằng này đã giảm còn 8,2-8,5%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 8,6-8,85%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên, tương đương mức giảm 0,35-0,5 điểm % ở hầu hết kỳ hạn.

Thậm chí, nếu gửi tại quầy, mức lãi suất tối đa người gửi nhận được từ Sacombank hiện chỉ là 8,65%/năm khi gửi với kỳ hạn 36 tháng, cũng thấp hơn 0,35 điểm % so với cuối năm 2022.

Theo thống kê, trong nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn, SHB là nhà băng duy nhất ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi tăng từ tháng 12/2022 đến nay, trong khi hàng loạt ngân hàng khác như ACB, MBBank, Techcombank, SCB…đều giảm lãi suất huy động giai đoạn này.

Trong biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ giữa tháng 2, SHB vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở 6%/năm; trong khi các kỳ hạn 6-11 tháng được nâng lên 8,42%/năm và kỳ hạn 12 tháng trở lên trả lãi suất 8,82%/năm.

Trong nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn, SCB hiện là đơn vị chi trả mức lãi suất cao nhất với mặt bằng 7,8-8,3%/năm nếu gửi 6-11 tháng và 9,1-9,5%/năm nếu gửi 12 tháng trở lên trên kênh quầy. Trường hợp gửi online, mức lãi suất người dân nhận được sẽ là 9,4-9,5%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 9,45-9,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, mức lãi suất này của SCB cũng đã giảm gần 0,5 điểm %.

Tại LienVietPostBank (LPB), lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm xuống 9,2%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm xuống 9,1%. Nhà băng này cũng đang triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Lãi suất ngân hàng ngày 22/2: Tiếp tục giảm, gửi vào đâu lãi nhất?

Theo Công Hiếu / VTCNews

VTCNews

Bài viết mới