Lãi suất năm 2018 sẽ duy trì ổn định

Theo Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia TS. Trương Văn Phước, bức tranh tài chính sáng lên nhờ thị trường ngân hàng. Phóng viên đã có trao đổi nhanh với TS. Trương Văn Phước về một số điểm nhấn trong hoạt động ngân hàng năm 2017 và những dự báo trong năm 2018.

Đánh giá của ông về điều hành lãi suất trong năm 2017 và dự báo năm 2018 xu hướng lãi suất diễn ra như thế nào?

Về lý thuyết, tham chiếu để đưa ra những quyết định liên quan đến lãi suất đó là lạm phát. Trong 3, 4 năm qua, lạm phát đã ở mức thấp, tăng trưởng GDP cao, thể hiện rõ nét về ổn định vĩ mô. Dĩ nhiên, mong muốn của chúng ta, ở nền kinh tế sức cạnh tranh còn yếu kém, chi phí cho sản xuất là yếu tố quan trọng. Nếu xét ở góc độ này, tuy trong năm qua lãi suất đã giảm nhưng chưa được như mong đợi.

Thực tế này do nhiều nguyên nhân. Nợ xấu cao, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, lấy lợi nhuận để bù đắp khoản vốn bị mất nên lãi suất khó giảm. Chi phí lãi suất huy động không giảm được vì nền kinh tế vẫn có nhu cầu vốn lớn. Trong khi các kênh đầu tư khác lại tăng trưởng tốt như thị trường bất động sản, nhất là thị trường chứng khoán tăng rất ngoạn mục là 1 trong 5 thị trường tăng nhanh nhất của thế giới…

Vì những yếu tố trên mà lãi suất chưa giảm như mong đợi trong bối cảnh lạm phát thấp. Nhưng công tâm mà nói, trước những khó khăn đặt ra, ngân hàng đã rất cố gắng để giảm được lãi suất cho vay.

Bước sang năm 2018, dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhưng chưa thực sự vững chắc nên nhiều tổ chức tiền tệ còn dè dặt trong việc tăng lãi suất. Nếu có tăng thì cũng rất chậm. Mặt bằng giá thế giới cũng có thể cao hơn năm 2017 nhưng tôi nghĩ sẽ không nhiều.

Nếu để nói về việc có giảm lãi suất thêm không tôi nghĩ là cũng có điều kiện. Nhưng tôi chắc là không nhiều bởi tăng trưởng kinh tế đặt ra năm 2018 tuy có thể thấp hơn mức thực hiện 2017 nhưng so với thế giới đó là mức cao. Nguồn cung cơ bản đó là cầu tín dụng nội địa còn lớn. Nên năm tới, lãi suất có thể sẽ ổn định hoặc chỉ là bước giảm nhỏ trong năm tới để đảm bảo nguồn cung vốn đáp ứng cầu tín dụng.

Liên quan đến cầu tín dụng nội địa, vậy theo ông, năm 2018, tăng trưởng tín dụng ở mức bao nhiêu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu?

Thử giả định kinh tế thế giới không có những cú sốc lớn và từng bước phục hồi, tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng khoảng chừng 18-20%/năm là phù hợp, không tác động nhiều tới ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục lưu tâm làm sao dòng vốn tín dụng đi vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh, không để bị lệch lạc để tạo ra cơn sốt nóng như bất động sản, chứng khoán. Việc phân bổ tín dụng ở mức độ nào, liều lượng, tương quan với thị trường khác ra sao, đây là bài toán hết sức khó khăn khi nhìn góc độ chính sách tiền tệ.

Nhưng tôi cho rằng, NHNN đã có kinh nghiệm trong việc này. Vì vậy, quan trọng là áp dụng công cụ để làm sao điều tiết cung ứng vốn cho nền kinh tế và hướng các dòng vốn đó vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Dĩ nhiên là NHNN phải sử dụng cách thức tính toán hệ số rủi ro đối với các lĩnh vực cho vay để làm sao có được hệ số rủi ro đảm bảo cùng với chỉ số an toàn trong tín dụng theo chuẩn mực quốc tế.

Ông có nhận định gì về mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt kỷ lục trong năm nay?

Theo tôi, với mức dự trữ ngoại hối như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ tạo niềm tin rất quan trọng cho cộng đồng DN trong cũng như ngoài nước và lợi thế khi Việt Nam thực hiện các chính sách, kể cả tỷ giá hối đoái và thị trường vốn của chúng ta có thêm nhiều lợi thế thu hút vốn bên ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Giảm lãi suất vay không thể “một sớm, một chiều”

Bài viết mới