Lãi sau thuế của Chứng khoán DNSE tăng 78%

Công ty chứng khoán số ghi nhận doanh thu đạt 181,5 tỷ đồng, tăng 21%, lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 70 tỷ, vượt 78% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, DNSE đạt doanh thu 181,5 tỷ đồng, tăng hơn 31 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động cao chủ yếu nhờ doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tăng hơn 19,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cũng ghi nhận trong ba tháng đầu năm chi phí hoạt động kinh doanh giảm 27,8 tỷ, tức 36% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi phí dự phòng tài sản tài chính và chi phí đi vay giảm 37,6 tỷ. Lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) thấp hơn 11,4 tỷ so với cùng kỳ.

Điều này giúp doanh thu của công ty chứng khoán số này tích cực hơn trong quý I. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của DNSE đạt 70,1 tỷ đồng, tăng hơn 30,7 tỷ, tương ứng tăng 78% so với quý I năm ngoái.

Bên cạnh doanh thu, DNSE sở hữu số lượng tài khoản mở mới và tài sản được quản lý (AUM) tăng nhờ chiến lược đa dạng về kênh tiếp cận khách hàng. Cụ thể, DNSE mở mới hơn 120.000 tài khoản trong quý 1, chiếm 30% thị phần tài khoản mở mới, nhờ vậy giữ vững vị trí top dẫn đầu thị trường về lượng tài khoản này.





Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, Ban lãnh đạo DNSE chia sẻ kết quả kinh doanh. Ảnh: DNSE

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, Ban lãnh đạo DNSE chia sẻ kết quả kinh doanh. Ảnh: DNSE

Ngoài ra, theo số liệu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 16/4, Ban lãnh đạo DNSE cho biết, hiện DNSE quản lý 37.800 ỷ đồng, tương đương với 1,7 tỷ chứng khoán, tăng trưởng hơn 40% so với đầu năm. Trong ba tháng đầu năm, số lượng khách hàng có tài sản giá trị trên 1 tỷ ở DNSE tăng 30% và nhóm khách hàng có NAV trung bình từ 100 triệu trở lên cũng tăng hơn 30%.

Đối với mảng chứng khoán phái sinh, quý 1/2024 cũng đánh dấu lần đầu DNSE lọt top 5 bảng xếp hạng thị phần môi giới phái sinh HNX khi chiếm thị phần 4,01%, sau năm đầu triển khai dịch vụ này. Theo thông tin từ đại hội cổ đông, đây cũng là mảng kinh doanh được DNSE mở rộng dư địa phát triển trong năm nay với nhiều chính sách ưu đãi như miễn phí giao dịch phái sinh, tổ chức cuộc thi “Thần long đại short” …

Với thế mạnh về công nghệ, DNSE đang phát triển loạt sản phẩm mới nhằm mục tiêu mang đến một nền tảng khác biệt, dễ dàng, thuận tiện cho nhà đầu tư. Trong đó, hệ thống quản trị và cho vay margin theo từng giao dịch (Margin Deal) và tính năng tự đề xuất gói vay theo nhu cầu Fin X là sản phẩm cốt lõi mang đến cho DNSE tăng trưởng về doanh thu margin.

Theo thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), hệ thống giao dịch KRX dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ ngày 2/5 nếu kiểm thử thành công vào ngày 30/4. Do đó, khi áp dụng tính năng giao dịch trong ngày (T+0), mô hình Margin Deal của DNSE sẽ là công cụ hỗ trợ tối ưu giúp khách hàng gia tăng hiệu quả đầu tư, nhờ vào việc quản trị và xử lý riêng biệt theo từng giao dịch, từng lệnh.

Chia sẻ về tiến độ chuẩn bị triển khai hệ thống KRX tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, bà Phạm Thị Thanh Hoa cho biết: “Với nền tảng công nghệ hiện đại đã đầu tư, chúng tôi tự tin đáp ứng nhu cầu giao dịch trong ngày hay giao dịch tần suất cao sẽ phát sinh khi hệ thống KRX được triển khai”.

Theo đó, trong giai đoạn 1, DNSE sẽ chủ yếu áp dụng những sản phẩm hiện tại của thị trường, những sản phẩm nâng cao như giao dịch trong ngày sẽ được triển khai ở giai đoạn 2.

Hiện DNSE đã bắt đầu xây dựng tính năng hệ thống đối với sản phẩm nâng cao để sẵn sàng triển khai ngay sau khi hệ thống KRX được vận hành toàn thị trường.Đối với hoạt động cho vay margin, không chỉ dựa trên nguồn vốn sẵn có, DNSE cũng xây dựng mô hình các đối tác cung cấp vốn cho nhà đầu tư trên nền tảng của DNSE, từ đó tận dụng và sử dụng vốn hiệu quả hơn so với mô hình tại các công ty chứng khoán truyền thống.

Đồng thời, DNSE cũng tăng hàm lượng công nghệ trong hai sản phẩm Trợ lý ảo Ensa có khả năng hỏi đáp, phục vụ nhu cầu tư vấn của nhà đầu tư qua chatbot và cổng thông tin, đánh giá chấm điểm cổ phiếu Senses. Tỷ lệ khách hàng đón nhận, làm quen và sử dụng các nguồn thông tin này ngày một tăng, với khoảng 13 – 15% nhà đầu tư thường xuyên trao đổi thông tin với trợ lý ảo Ensa. Ngoài ra, hầu hết nhà đầu tư của DNSE đều sử dụng Senses làm công cụ đánh giá các mã cổ phiếu quan tâm.





Trợ lý ảo Ensa trên app Entrade X by DNSE được nhà đầu tư sử dụng ngày càng hiệu quả. Ảnh: DNSE

Trợ lý ảo Ensa trên app Entrade X by DNSE được nhà đầu tư sử dụng ngày càng hiệu quả. Ảnh: DNSE

Hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2024, DNSE đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục và dự kiến đưa cổ phiếu DSE lên sàn HoSE vào khoảng tháng 6/2024. Với chiến lược cạnh tranh dựa trên nền tảng giao dịch thuận tiện và sự đa dạng sản phẩm tài chính, phong phú về kênh bán, DNSE có lợi thế để triển khai các kế hoạch kinh doanh, tăng tốc đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Thảo Vân



Bài viết mới