Vĩ mô tích cực
Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), việc dự trữ ngoại hối tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016 và hiện đạt 45 tỷ USD, sẽ là nền tảng để nước ta chủ động duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Ngoài ra, một loạt thông tin vĩ mô tích cực khác cũng xuất hiện, như vốn đầu tư nước ngoài (FDI) duy trì tăng trưởng 2 con số, cùng với thặng dư thương mại đạt được trong 2 tháng gần đây (tháng 8 và 9 lần lượt thặng dư 1,6 tỷ USD và 0,4 tỷ USD), đã đẩy thâm hụt thương mại 9 tháng năm 2017 xuống chỉ còn xấp xỉ 500 triệu USD, cho thấy cán cân thanh toán đang có dấu hiệu cải thiện đáng kể. MBKE dự báo thặng dư cán cân thanh toán đến cuối 2017 và trong 2018 sẽ lần lượt đạt khoảng 1,4 % và 1,7% GDP.
Cũng theo MBKE, quý III-2017 là khoảng thời gian rất quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp niêm yết trong việc công bố KQKD hay BCTC. Bởi lẽ sau khi những con số được đưa ra vào giai đoạn này, gần như khả năng hoàn thành hay không hoàn thành hoặc vượt kế hoạch sẽ lộ diện rất rõ ràng.
Mặt khác, quý này cũng không bắt buộc phải soát xét BCTC nên sự thận trọng của việc công bố là điều dễ hiểu. Tính từ đầu tháng 10 đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp công bố BCTC quý III-2017, hoặc chỉ là KQKD sơ bộ. Điều này càng khẳng định lực đẩy của thị trường phần lớn đến từ các thông tin vĩ mô tích cực.
Khi tin vĩ mô chi phối, dòng tiền sẽ tập trung nhiều vào nhóm CP mang tính đại diện của thị trường, cụ thể ở đây là các blue chip. Trong xu hướng này, ghi nhận sự trỗi dậy của nhóm blue chip, điển hình như CP GAS đã tăng từ 60.000 đồng/CP lên 70.000 đồng/CP trong khoảng 2 tháng qua. Tất nhiên không thể so GAS bây giờ giống như thời đỉnh cao, nhưng đặt trong bối cảnh nhiều blue chip mới trỗi dậy, việc GAS tăng giá trong khi không có nhiều thông tin hỗ trợ có thể xem là khả quan.
Tương tự, MSN cũng là blue chip kỳ cựu đã trỗi dậy mạnh mẽ, 3 tháng qua CP này đã từ hơn 40.000 đồng/CP để tăng lên hơn 58.000 đồng/CP. Nhưng theo dõi kỹ GAS hay MSN sẽ thấy có điểm chung trong chặng đường tăng giá. Đó là những đợt sóng thường không gắt và mạnh nếu chỉ tính vài phiên, thậm chí chỉ tăng khoảng 5-10% rồi lại điều chỉnh và biến động trong phiên, có thể tạo ra sự chán nản.
Tuy nhiên, xét trong khoảng thời gian từ nửa tháng trở đi, tỷ suất sinh lời rất khá. Đó cũng là một sự phản ánh thu nhỏ của VN Index trong thời gian qua, tăng mạnh mẽ vượt 800 điểm, nhưng sau đó lại điều chỉnh trở lại, thử thách ngưỡng 800 điểm rồi lại bứt phá lên 820 điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều NĐT.
6 phiên tăng liên tiếp, VPB từ mức dưới 37.000 đồng/CP đã vượt 40.000 đồng/CP.
Tìm hàng mới
Chỉ sau 6 phiên tăng liên tiếp, VPB từ mức dưới 37.000 đồng/CP đã vượt 40.000 đồng/CP. Nhìn vào diễn biến của giá CP cũng như kỳ vọng của thị trường, việc CP VPB tăng giá không quá khó để dự báo, nhưng xác định thời điểm luôn là thách thức. Trong 3 phiên gần nhất, KLGD của VPB đều vượt ngưỡng 1 triệu CP/phiên, trong khi những phiên trước chỉ tính bằng trăm ngàn CP, đây là điều vừa bất ngờ vừa không bất ngờ.
Bởi VPB có sức hút “kép” bao gồm từ ngành ngân hàng, đồng thời cũng từ lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi VPB đang sở hữu FECredit, một thương hiệu lớn trong ngành. Việc tăng giá của VPB hay của VJC trong thời gian gần đây một lần nữa khẳng định xu thế ưa chuộng hàng hóa mới lên sàn, nhưng đều là những mặt hàng chất lượng.
Trong khi đó, nửa năm qua VCB đã có 2 đợt sóng. Trong đợt thứ nhất diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7, CP này tăng từ 34.000 đồng/CP lên 39.000 đồng/CP, nhưng sau đó điều chỉnh xuống vùng 36.000 đồng/CP. Tưởng chừng CP này lặng sóng nhưng đến cuối tháng 9 một loạt phiên tăng lại đưa VCB vượt lên trên vùng 39.000 đồng/CP.
Do là CP vốn hóa nằm trong top 3 lớn nhất của thị trường, việc tăng giá của VCB tạo ra nhiều ảnh hưởng đến VN Index, tác động đến những CP khác trong ngành. Trong một chừng mực nào đó, việc tăng giá của VCB luôn tạo ra những bất ngờ, nhưng nhanh chóng được hưởng ứng bởi sóng tăng thường theo kiểu “chậm mà chắc” và tạo ra nhiều cơ hội cho NĐT.
Theo nhận định của CTCK BIDV-BSC, thanh khoản thị trường trong phiên cuối tuần, dù VN Index tăng mạnh vẫn chỉ ở mức trung bình và có phần suy yếu so với 2 phiên tăng điểm trước đó. Điều này cho thấy NĐT vẫn khá e dè và nghi ngờ sự tăng điểm bền vững của thị trường.
Sau khi VN Index thành công mức kháng cự 820 điểm, có khả năng thị trường sẽ có một số nhịp điều chỉnh kỹ thuật ở những phiên sắp tới để hướng đến những mốc cao hơn. Cũng như những lần chinh phục các đỉnh cao trước đó, nhiều khả năng những phiên đi ngang, điều chỉnh, nếu không thể hiện rõ ở điểm số cũng sẽ diễn ra trên diện rộng giữa các CP.
Sự dịch chuyển dòng tiền có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong tuần này, sau khi nhóm blue chip kỳ cựu như VCB, MSN, GAS… dòng tiền có thể tìm đến nhóm CP mid cap hoặc penny có định giá rẻ, hoặc có thông tin ngành, KQKD tích cực. Đặc biệt khi thông tin về KQKD quý III xuất hiện, sự phân hóa thị trường sẽ càng rõ nét hơn. Chừng nào, VN Index vẫn còn giữ vững mốc 800 điểm dòng tiền vẫn sẽ tự tin đổ vào những CP nổi bật liên quan đến thông tin thoái vốn, thông tin ngành.