Kỳ vọng về lãi suất đang gây khó cho việc huy động vốn trái phiếu

Theo báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần của bộ phận nghiên cứu thuộc công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research), trong tuần vừa qua (tuần giữa tháng 7), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục nhích tăng tuần thứ hai liên tiếp nhưng mức tăng không lớn.

Cụ thể lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng 9 điểm cơ bản lên 0,76%, kỳ hạn 1 tuần tăng nhẹ 2 điểm và vẫn ở dưới ngưỡng 1%, trong khi kỳ hạn 1 tháng giảm nhẹ 2 điểm cơ bản giao dịch ở mức 1,67%/năm tại thời điểm cuối tuần.

NHNN phát hành tín phiếu trong cả 5 phiên giao dịch với lãi suất phát hành giữ ở mức 0,3%. Tổng khối lượng phát hành cả tuần đạt 21 nghìn tỷ. Trong khi đó có 25 nghìn tỷ phát hành từ tuần trước, đồng nghĩa đã có 4 nghìn tỷ quay trở lại hệ thống.

Trong khi đó trên thị trường trái phiếu, KBNN tiếp tục thận trọng chỉ gọi thầu 3 nghìn tỷ trái phiếu trong tuần qua, bao gồm 3 kỳ hạn 5, 10 và 15 năm. Tuy nhiên, đã không có bất kỳ kỳ hạn nào phát hành thành công. Khối lượng đặt thầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất từ đầu năm khoảng 3,48 nghìn tỷ, trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm gần 80%, khối lượng đặt thầu cho các kỳ hạn 10 và 15 năm rất thấp, chỉ đat 251 tỷ và 517 tỷ trên 1000 tỷ chào thầu cho mỗi kỳ hạn.

Mặt khác, lãi suất đặt thầu tăng khá mạnh. Lãi suất đặt thầu thấp nhất cho 3 kỳ hạn 5, 10, và 15 năm đã tăng lần lượt 10 điểm, 17 điểm và 40 điểm cơ bản. Biến chuyển về kỳ vọng lãi suất và thanh khoản hệ thống ngân hàng đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động huy động vốn trái phiếu của kho bạc nhà nước.

KBNN mới đây đã điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu theo hướng giảm kỳ hạn 5 năm từ 80,3 xuống 49,3 nghìn tỷ và tăng lượng phát hành các kỳ hạn dài trên 7 năm. KBNN đã huy động được tổng cộng 204,5 nghìn tỷ và theo kế hoạch thì từ nay tới cuối năm chỉ cần phải huy động thêm 38,8 nghìn tỷ.

Các nhà phân tích cho rằng, với tốc độ giải ngân vốn ngân sách và vốn trái phiếu chậm (hết 6 tháng vốn TPCP mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ, bằng 10,4% kế hoạch), việc huy động thêm TPCP cũng không thực sự cần thiết bởi vừa gây lãng phí nguồn lực vừa gia tăng nợ công.

“Theo ước tính của chúng tôi, lượng TPCP huy động ròng (phát hành mới trừ đáo hạn) trong 7 tháng đầu năm 2017 là khoảng 120 nghìn tỷ, còn trong năm 2016 là gần 200 nghìn tỷ. Đây là một nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công/GDP tăng hàng năm” – báo cáo của SSI Retail Research nêu rõ.

Dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45 GDP 3 năm tới

Bài viết mới