Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD – sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Một trong những nội dung được chờ đợi sẽ đem lại bước chuyển tích cực trên thị trường tài chính tiền tệ là quy định rõ ràng về cổ đông lớn và người liên quan để xác định cổ đông thực; quy định về chức danh chủ tịch HĐQT, HĐTV và ban điều hành; các quy định về giới hạn sở hữu để đại chúng hóa hoạt động của ngân hàng (NH); các quy định về góp vốn.
Tránh thao túng
Theo đó, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng (TCTD) không được đồng thời là thành viên HĐQT, HĐTV, thành viên ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp (DN) khác.
Hoạt động của các ngân hàng đã minh bạch hơn Ảnh: TẤN THẠNH
Chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc (giám đốc) của TCTD không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của DN khác.
Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá việc quy định như vậy là cần thiết, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn tín dụng để cho vay sân sau và thao túng trong hoạt động tài chính tiền tệ như đã diễn ra trong các TCTD thời gian qua. Luật có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 nhưng cho phép có độ trễ, chờ Chính phủ ban hành nghị định và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Nhóm chi phối ngân hàng giảm mạnh
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết quá trình tái cơ cấu TCTD vừa qua, NHNN đã chỉ đạo và giám sát các TCTD đẩy nhanh xử lý sở hữu chéo qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập. Tình trạng sở hữu chéo đã giảm đáng kể. Đến nay, không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn ở NH, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 còn 2 cặp. Sở hữu NH với DN giảm từ 56 cặp còn 2 cặp. Số TCTD sở hữu hơn 15% giảm từ 19 trường hợp năm 2012 còn 4 trường hợp. Nhìn chung, đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã được giải quyết cơ bản, tình trạng NH đã minh bạch hơn, các nhóm chi phối đã nhận diện được và xử lý, kiểm soát đáng kể, nhóm chi phối NH đã giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn khó sở hữu chéo đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ, phải đẩy mạnh thanh tra mới phát hiện được trường hợp vi phạm tinh vi này.
Hiện nay, đa số chủ tịch HĐQT của các NH tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên HĐQT của rất nhiều DN khác. Chẳng hạn, ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch HĐQT SHB nhưng ai cũng biết NH này được gây dựng bởi Tập đoàn T&T do ông Hiển sáng lập từ ngày đầu tham gia thương trường và bản thân ông luôn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Hoặc ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Him Lam đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sacombank. Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Doji Group… Trong thời gian tới, các “đại gia” này sẽ chỉ được giữ một vị trí tại một TCTD hoặc DN.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định cùng với việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD, NHNN đã chuẩn bị đầy đủ các thông tư để khi luật có hiệu lực sẽ ban hành kịp thời các thông tư, quy định hướng dẫn thi hành. Nội dung sẽ tập trung vào tăng cường các quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các NH cũng như các quy định giám sát về việc góp vốn mua cổ phần, các quy định về tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD.