Kỳ vọng lớn vào Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam

Sau nhiều lần thay đổi nhà đầu tư, điều chỉnh tiến độ góp vốn, tiến độ triển khai, mới đây, dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã chính thức được khởi động. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

10 năm lận đận

Kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP – doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án) gặp phải rất nhiều vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến những đối tác thành viên trong liên doanh.

Kỳ vọng lớn vào Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam - Ảnh 1.

Phác họa Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam sau khi hoàn thành

Ban đầu, cả 3 đối tác cùng bắt tay để triển khai dự án là Tập đoàn Siam Cement (SCG, Thái Lan), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar. Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar rút khỏi dự án khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Bởi lẽ, dự án đã trì hoãn nhiều năm do gặp khó khăn về vốn mà Qatar vừa là nhà đầu tư góp vốn vừa chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu.

Với tham vọng lớn, SCG vẫn theo đuổi dự án bằng việc tìm kiếm đối tác mới, đặc biệt là quyết định mua lại 25% cổ phần của Qatar trị giá khoảng 36 triệu USD. Hiện nay, SCG nắm giữ 71% cổ phần và PVN 29%. Thay cho quy mô 3,7 tỉ USD ghi trong giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, nay vốn đầu tư dự án đã tăng lên 5,4 tỉ USD.

Năm 2017, khi những rắc rối được giải quyết thì dự án lại gặp khó khăn về cơ chế bảo lãnh nên chưa thể khởi công dù trước đó, LSP kỳ vọng triển khai trong quý III. Chưa kể, dự án còn gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau đúng 10 năm kể từ khi được cấp phép, ngày 24-2, dự án chính thức khởi công xây dựng với thời gian thi công dự kiến 5 năm, đến năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động. Tham dự lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việc khởi động dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam là một tin vui đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và toàn đất nước Việt Nam”.

Trách nhiệm lớn

Dự án nằm trên diện tích 464 ha đất và 194 ha mặt nước cho cảng biển, tọa lạc tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm. Dự án được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần cho ngành nhựa (như polyetylen, polypropylen) và các sản phẩm khác với công suất hơn 2 triệu tấn/năm, có khả năng thay thế các sản phẩm polyetylen hiện phải nhập khẩu. Dự án cũng bao gồm các cơ sở hạ tầng khác bên cạnh tổ hợp sản xuất hóa dầu, khu cảng nước sâu.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch và là CEO của SCG, nhấn mạnh: “Tổ hợp này là dự án trọng điểm trong chiến lược mở rộng ra khu vực ASEAN của SCG. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chiến lược. SCG hy vọng dự án sẽ là đòn bẩy cho các doanh nghiệp hạ nguồn, là tiền đề góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, nâng tầm chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và khu vực trong dài hạn. SCG dự kiến sẽ khởi động thêm 2 chương trình cộng đồng mới tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm dự án tái thiết rừng và chương trình trao học bổng cho sinh viên, học sinh địa phương”.

Ông Manopchai Vongphakdi, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, bày tỏ: “Tôi rất vui mừng nhận thấy quyết tâm thực sự của SCG trong việc triển khai dự án một cách liên tục từ năm 2008. Có được lễ khởi công là sự nỗ lực của SCG trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam – nước láng giềng vô cùng thân thiết và quan trọng của chúng tôi. Tổ hợp sẽ đem lại sự phát triển thịnh vượng, đặc biệt là đối với người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bởi sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong những năm xây dựng. Dự án còn hỗ trợ rất lớn cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nêu cụ thể hơn về những lợi ích mà dự án mang lại: “Dự án sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong quá trình xây dựng. Sau khi đưa vào khai thác, dự án sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì; các ngành dịch vụ khác của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời đóng góp vào ngân sách hằng năm khoảng 60 triệu USD và thu hút, đào tạo sử dụng hơn 1.000 lao động kỹ thuật cao”.

Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng được đặt ra khi sự phát triển của dự án phải gắn với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên. Đây là mục tiêu mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến “không đánh đổi môi trường để phát triển công nghiệp”. Về việc này, đại diện SCG cam kết dự án sẽ sử dụng những công nghệ hiện đại để bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả hoạt động, sự an toàn và thân thiện với môi trường.

Cần bảo đảm 5 yêu cầu

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chủ đầu tư cũng như địa phương phải bảo đảm 5 yêu cầu. Theo đó, dự án phải đúng tiến độ, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại trong quá trình xây lắp dự án, bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối. Chủ đầu tư tuân thủ quy định bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; tuân thủ nghiêm quy định về an toàn lao động, không để ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của công nhân. Địa phương và chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết tái định cư lâu dài cho người dân, gồm cả đào tạo nghề. Các bộ, ngành liên quan, PVN và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án bởi ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án còn có ý nghĩa chính trị đối với quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan…

Đại gia Thái Lan muốn mua trọn tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam

Bài viết mới