Kỳ vọng lãi suất vay giảm

“Năm 2018, tôi hy vọng Ngân hàng (NH) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giữ nguyên hoặc giảm lãi suất cho vay mua nhà bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng (6,2%/năm) cộng với biên độ 3%, tính ra lãi suất cho vay là 9,2%/năm mà Eximbank đã áp dụng trong 2 năm qua” – chị Trần Thị Dung (quận Phú Nhuận, TP HCM) – người đang vay Eximbank 900 triệu đồng – kỳ vọng như vậy khi lãi tiền gửi trong các ngày gần đây rục rịch tăng.

Tăng – giảm đan xen

Ngày 10-1, một NH có hội sở ở TP HCM niêm yết lãi suất tiết kiệm thông thường kỳ hạn 6 tháng 7,1%/năm, 12 tháng 7,5%/năm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người gửi, nhân viên NH này thông báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên 7,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng cũng lên 8%/năm.

Lãi suất trong năm 2018 được dự báo ổn định hoặc giảm nhẹ Ảnh: TẤN THẠNH

Lãi suất trong năm 2018 được dự báo ổn định hoặc giảm nhẹ Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đó, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nâng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn thêm 0,3 – 0,6 điểm phần trăm, riêng lãi suất kỳ hạn 6 tháng cán mức 7,4%/năm. NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4 – 0,5 điểm phần trăm/năm. Tại NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), các kỳ hạn gửi từ 6 đến 9 tháng tăng 5,5% – 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.

Nhiều NH cho biết lãi suất đầu vào đi lên là do thời điểm này NH nào cũng tăng cường huy động vốn để cân đối dòng tiền ra – vào, trong khi khách hàng mạnh tay rút tiền để sử dụng vào dịp Tết.

Thế nhưng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), xác nhận từ ngày 15-1, Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên. Theo đó, lãi suất ngắn hạn các khoản cho vay có lãi suất trên 6%/năm đến 6,5%/năm sẽ được giảm về mức 6%/năm, các khoản cho vay từ nay đến hết năm 2018 áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cũng cho biết đã có kế hoạch giảm lãi suất trong ngày 10-1. Cùng ngày, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tuyên bố giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay cả ngắn hạn lẫn trung hạn với các đối tượng ưu tiên.

Trong khi đó, nhiều NH khác cho biết do lãi suất đầu vào còn cao nên lãi suất cho vay chưa thể giảm được.

Cơ hội thuận lợi

Lãnh đạo NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đánh giá một số NH lớn tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi vốn hàng chục ngàn tỉ đồng làm tăng năng lực tài chính, giúp giảm lãi suất cho vay. Còn việc thu hồi vốn từ nợ xấu tại các NH còn lại chỉ mới giảm áp lực huy động vốn, bổ sung thanh khoản chứ chưa đủ lực làm cho lãi suất đầu vào đi xuống, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Trong khi đó, nhiều NH lại sẵn sàng huy động vốn với lãi suất cao, cho vay với lãi suất hợp lý nhằm bảo đảm hòa vốn. Từ đó, mặt bằng lãi suất cho vay rất khó đi xuống.

Một phó tổng giám đốc của NH TMCP Á Châu (ACB) nhận định xu hướng lãi suất sẽ đi ngang bởi năm 2018, NH Nhà nước định hướng tín dụng tăng trưởng chỉ 17%, thấp hơn so với năm trước 1,17 điểm %, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng (chủ yếu là cho vay ngắn hạn). Mặt khác, NH Nhà nước luôn kiểm soát chặt cho vay các lĩnh vực có độ rủi ro cao, hấp thụ số vốn lớn như chứng khoán, bất động sản… Từ đó, các NH sẽ giảm được áp lực huy động vốn trung và dài hạn, giữ nguyên mặt bằng lãi suất đầu vào giữ lãi suất cho vay không tăng. “Đặc biệt, dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng trên 52 tỉ USD có thể giúp cho tỉ giá tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo ra sự chuyển dịch từ USD sang VNĐ làm tăng cung tiền, hỗ trợ lãi suất tiền đồng ổn định” – vị phó tổng giám đốc ACB phân tích.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia của BIDV, một trong những điều kiện để mặt bằng lãi suất đi xuống là việc giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết 42 cần được thực hiện nhanh. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng thị trường đang chuẩn bị có thêm nhiều dòng tiền mới. Đơn cử, nhà nước vừa thu về 110.000 tỉ đồng từ việc bán cổ phần Sabeco, đồng thời hàng loạt doanh nghiệp lớn của ngành cao su, dầu khí tiếp tục bán cổ phần trong quý I/2018, dự kiến thu về 150.000 tỉ đồng. Với tiềm lực tài chính này, nếu NH Nhà nước được phép quản lý và điều tiết hợp lý thì thị trường sẽ có nguồn cung VNĐ rất lớn, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất giảm.

Có cơ sở để giảm

Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định NH Nhà nước tiếp tục áp dụng đồng bộ, linh hoạt, chủ động các công cụ như lãi suất, tỉ giá, tín dụng để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn năm trước nhưng chất lượng tín dụng sẽ cao hơn để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. “NH Nhà nước tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất và có cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế” – Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi nhưng chưa thực sự vững chắc nên nhiều tổ chức tiền tệ còn dè dặt trong việc điều chỉnh lãi suất. Tại Việt Nam, lãi suất có điều kiện giảm nhưng không nhiều bởi tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2018 thấp hơn năm trước nhưng so với thế giới đó là mức cao. Từ đó, nhu cầu tín dụng vẫn còn lớn nên năm nay, lãi suất có thể sẽ ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ.

Tuần đầu năm, NHNN hút ròng hơn 15.000 tỷ đồng, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Bài viết mới