Gam màu tươi sáng
2017 được xem là một năm khá rực rỡ của nền kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đạt và vượt 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng GDP đạt 6,81% (vượt chỉ tiêu 6,7% đề ra). Đặc biệt, GDP hai quý cuối năm đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 7%.
Ghi nhận nhân tố hỗ trợ điều hành kinh tế trong năm vừa qua, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia trong một báo cáo với tiêu đề “Tổng quan Thị trường tài chính năm 2017” cho biết, tín dụng năm 2017 ước tăng gần 19% đã hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng. Đánh giá về mức tăng trưởng tín dụng năm 2017, nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng, đó là mức tăng hợp lý, phù hợp với điều kiện hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế
Với năm 2018, nhiều NH tỏ ra cẩn trọng hơn với dự báo tăng trưởng tín dụng. Điều tra xu hướng kinh doanh mới đây của Vụ Dự báo – Thống kê (NHNN) cho thấy các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng hệ thống NH tăng trưởng 4,74% quý I/2018 và tăng 17,65% trong cả năm 2018. Trong khi đó, VCBS tỏ ra lạc quan hơn khi tính toán rằng tín dụng trong năm nay tăng trưởng khoảng 18% là phù hợp; cân đối với cầu tín dụng đến từ quy mô nền kinh tế mở rộng hơn. VCBS lưu ý rằng các thay đổi tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu cũng sẽ tạo thêm kỳ vọng cho việc khơi thông dòng vốn.
Cụ thể, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có hiệu lực sẽ là hành lang pháp lý cho tiến trình xử lý nợ xấu. Và để các quy định trên được áp dụng trên thực tế, thì cần có văn bản luật, nghị định, thông tư… Theo đó, Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn cho Luật sửa đổi Luật Các TCTD; NHNN sẽ đưa ra thông tư hướng dẫn cho Nghị quyết 42… Nên chắc chắn sẽ khơi thông dòng vốn cho hệ thống NH.
“Tích cực nhưng phải hiệu quả, các cơ quan liên quan phải cùng chung tay với NHNN trong việc triển khai quyết liệt nhất Nghị quyết 42. Vì nếu chỉ đưa ra một quyết định văn bản là các NH có thể thu giữ tài sản bảo đảm trong khi không nhận được hỗ trợ cần và đủ từ các cơ quan an ninh, toà án… thì rất khó tác động mạnh tới thu giữ tài sản bảo đảm, tiến tới thanh lý tài sản để thu hồi nợ…”, một chuyên gia chia sẻ.
Chất lượng nằm ở sự bền vững
Khẳng định tăng trưởng trong năm nay sẽ tiếp tục được tín dụng hậu thuẫn, song theo một chuyên gia, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế. Hiện tại, sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế có chừng mực, nên quan trọng là sử dụng vào mục đích gì, dự án có hiệu quả không. “Cũng giống như uống thuốc bổ, với cơ thể, cơ địa khác nhau thì sức hấp thu cũng khác nhau”, vị chuyên gia nói trên ví von.
Mối quan tâm đến chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng được TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính) chia sẻ. Theo TS. Độ, tăng trưởng tín dụng sẽ có những tác động trong ngắn hạn và dài hạn. Trên lý thuyết, nếu xét về dài hạn, tỷ lệ tín dụng/GDP khó có thể tăng liên tục được. “Chúng ta có thể tăng trong ngắn hạn, trong một giai đoạn cụ thể của nền kinh tế. Nhưng về lâu dài thì bền vững nhất vẫn là tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đương tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa”, ông Độ nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia NH, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định trong tăng trưởng tín dụng thì cốt yếu vẫn là chất lượng. Không đưa ra con số dự ước cụ thể, song chuyên gia này nhận thấy kể cả khi con số tăng trưởng tín dụng không quá cao nhưng đó là dòng vốn thực chất, an toàn, chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì vẫn hiệu quả hơn.
Đồng thời, ông Hiếu cảnh báo lĩnh vực bất động sản và chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn. Nếu không kiểm soát chặt, tín dụng “đi vòng” vào các thị trường này thì có tăng trưởng 18-19% nền kinh tế cũng không được hưởng lợi nhiều, mà chỉ làm lợi cho những người kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Đề cập đến một góc độ cần quan tâm khác, có thể tiềm ẩn rủi ro, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết năm 2017, tín dụng tiêu dùng ước tăng 65% (năm 2016 là 50,2%), chiếm 18% tổng tín dụng năm. “Tăng trưởng tín dụng quá cao, hay tăng đột biến ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều không bền vững. Ngắn hạn dùng để chi tiêu, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải tới ngày trả nợ”, TS. Độ lưu ý thêm.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận yếu tố tích cực của tín dụng tiêu dùng là khi tăng trưởng mạnh cũng sẽ đóng góp một tỷ trọng tương đối trong tăng trưởng GDP. Bởi khi nền kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng theo đó tăng lên. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến, nên chăng xem xét lại việc để tín dụng cho vay mua nhà, xây nhà, sửa nhà… ra khỏi tín dụng tiêu dùng, xét vào tín dụng bất động sản để tính được chính xác tỷ lệ tín dụng cho vay bất động sản. Theo quan sát của chuyên gia này, hiện tín dụng vay mua nhà, sửa nhà vẫn đang được cho là tín dụng tiêu dùng, khiến tín dụng tiêu dùng tăng lên đáng kể. Trong khi đó, tín dụng bất động sản tại các NH vẫn ở con số tương đối thấp, không sát với thực tế…
Trong tăng trưởng tín dụng, cốt yếu vẫn là chất lượng. Kể cả khi con số tăng trưởng tín dụng không quá cao nhưng đó là dòng vốn thực chất, an toàn, chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì vẫn hiệu quả hơn.