Kỳ vọng du lịch 2018 cất cánh

Đông kỷ lục

Kỳ vọng đạt 13 triệu khách quốc tế, cuối cùng ngành du lịch Việt Nam đạt con số đông kỷ lục 12,9 triệu lượt. So với 10 triệu lượt năm ngoái, tăng 29,1%. Lâu nay nhiều chuyên gia vẫn phàn nàn khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu qua đường bộ, chưa thu hút khách đường không. Tuy nhiên năm 2017, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt, tăng 32%. Khách đến bằng đường bộ vẫn tăng gần 20% trong khi khách đến đường biển giảm.

Trong tổng số khách quốc tế, châu Á vẫn dẫn đầu. Trong hơn 9 triệu khách châu Á thì Trung Quốc chiếm gần nửa, tăng hơn 48%. Khách Hàn Quốc tăng 56,4% với 2,4 triệu. Khách châu Âu chiếm gần 2 triệu, tỷ lệ tăng khá cao. Thị trường Mỹ, châu Úc, châu Phi đều tăng trưởng 11-25,6%. Khách nội địa đạt 73 triệu lượt, tổng thu 510 nghìn tỷ đồng. Với những con số này, du lịch Việt Nam xếp thứ 6/10 nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á.

“Ngành du lịch được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nói. Một trong những cú hích mạnh nhất là Nghị quyết số 08 do Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2017. Chính phủ ngay sau đó ban hành Nghị quyết 103 giao bộ ngành và địa phương thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, đồng thời có hẳn chương trình hành động đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nói trong Hội nghị tổng kết năm 2017: Một trong những thành công đáng kể nhất của du lịch là bước đầu tạo dựng thương hiệu trên bản đồ thế giới.

Cất cánh

Thành quả 2017 là một trong những điểm sáng của nền kinh tế, tuy nhiên lãnh đạo Bộ VHTT&DL cùng các chuyên gia đều nhận định phát triển chưa xứng tiềm năng. “Du lịch đang đứng trước những vận hội mới như đạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín, được thế giới biết đến nhiều hơn”, Bộ trưởng Thiện nói. “Năm nay du lịch có nhiều điều kiện thuận lợi, đó là sự phục hồi và phát triển của du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như du lịch thế giới”, Tổng cục trưởng Tuấn nói.

Lãnh đạo ngành cũng nhắc tới bước chạy đà, tạo nền tảng từ hai năm qua. Đó là loạt chính sách miễn visa cho một số thị trường, triển khai visa điện tử, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch. Một trong những nền tảng quan trọng nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị – về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm tới là đưa Luật Du lịch sửa đổi, Nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống.

Nhắc tới giải pháp để đưa du lịch cất cánh trong năm 2018, Bộ trưởng VHTT&DL đề nghị Tổng cục Du lịch tập trung phổ biến và áp dụng Luật Du lịch 2017; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đổi mới hình thức theo hướng hiệu quả hơn, đảm bảo nội dung và cách truyền tải sinh động, ấn tượng và mang đặc trưng riêng của Việt Nam; đồng thời rà soát chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú và chấn chỉnh một số công tác lữ hành, hướng dẫn viên.

Lãnh đạo ngành cho biết kế hoạch năm nay tiếp tục tham gia các hội chợ du lịch quốc tế uy tín; tổ chức các chương trình phát động thị trường du lịch tại thị trường trọng điểm như Tây Âu, Nga và Đông Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc – New Zealand và ASEAN. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng nhắc tới một loạt nội dung trong năm tới để cơ cấu lại ngành du lịch liên quan nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch, doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực du lịch cũng như cơ cấu tổ chức và quản lý du lịch. Các chuyên gia nhắc lại, đến lúc bỏ tư duy phát triển du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có, tạo được nhiều sản phẩm du lịch khác biệt hấp dẫn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2018 du lịch Việt Nam dự kiến đón 15 triệu rưỡi đến 16 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 75-80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 620 nghìn tỷ đồng.

TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị du lịch Việt Nam phải sáng tạo với tư duy “trồng lúa trên sa mạc”

Bài viết mới