Kỳ vọng bất động sản Khánh Hòa sẽ sớm phục hồi

Những khó khăn của thị trường chỉ là ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản Khánh Hòa được dự báo sớm phục hồi và phát triển ổn định.

Giao dịch sụt giảm

Sau nhiều đợt sốt đất cục bộ xảy ra trong năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường bất động sản Khánh Hòa đang đi vào giai đoạn trầm lắng kể từ quý 3/2022.

Trong năm 2022, thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, lượng giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa biến động tăng từ quý 1 đến quý 2/2022 rồi giảm mạnh trong quý 3 và quý 4 vừa qua. Song lượng giao dịch đất nền trong quý 4/2022 vẫn cao hơn so với quý 1/2022.

Cụ thể, trong quý 1/2022, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 2.122 giao dịch đất nền. Sang đến quý 2 lượng giao dịch đất nền là 7.742 giao dịch. Bước sang quý 3 và quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền lần lượt giảm còn 5.541 và 2.735 giao dịch.

Riêng về giao dịch nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh cũng biến động tăng từ quý 1 đến quý 2/2022 rồi bất ngờ giảm từ quý 3 đến quý 4/2022.

Trong khi đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư biến động tăng từ quý 1 đến quý 3/2022. Bước sang quý 4/2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư mới bắt đầu giảm mạnh.

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án nhà ở thương mại đang triển khai với 1.564 căn chung cư và 4.067 căn nhà ở riêng lẻ.

Riêng về dự án du lịch nghỉ dưỡng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang triển khai 26 dự án, với 12.149 căn hộ du lịch và 2.588 căn biệt thự du lịch.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn thanh lọc mạnh. Bởi vậy, sẽ không còn chỗ cho “dòng tiền dễ” chỉ chảy vào đầu cơ, lướt sóng.

Thị trường bất động sản giờ đây nghiêng hẳn về những người có “tiền tươi, thóc thật” và là “cuộc chơi” dành những người có chiến lược đầu tư trung và dài hạn.

Hiện nay, Khánh Hòa đang nổi lên là điểm đến sáng giá trong sự cân nhắc lựa chọn của nhà đầu tư trong năm 2023.

Nguồn cung sẽ tăng trong năm 2023

UBND tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần gia tăng nguồn cung sản phẩm bất động sản trên địa bàn tỉnh trong năm 2023.

Cụ thể, cuối năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định số 28/2022/QĐ-UBND về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Việc ban hành quy định mới về tách thửa, hợp thửa đất và nhiều quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tại các địa phương được phê duyệt sẽ góp phần gia tăng nguồn cung sản phẩm đất nền tách thửa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong năm 2023.

Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa cũng công khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 và các năm kế tiếp.

Theo đó, năm 2023 và các năm kế tiếp, quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa thực hiện đấu giá gồm có lô đất 32 khu Đông Mương, Đường Đệ, Vĩnh Hòa; lô 09 khu F, Khu DC Bắc Vĩnh Hải, Nha Trang; khu đất số 01A Phước Long (Kho cảng Bình Tân); khu đất đường 23/10, xã Vĩnh Thạnh (thu hồi của Công ty Việt Hải), Nha Trang; khu đất số 80 đường 23/10, phường Phương Sơn, Nha Trang.

Khu đất tại ngã tư Tô Hiệu – Trường Sơn, Vĩnh Trường, Nha Trang; khu đất tại xã Phước Đồng (thu hồi Công ty TNHH Cát Phú); khu đất tại Hòn Rớ I, xã Phước Đồng, Nha Trang; khu đất số 310 Nguyễn Tri Phương, Vĩnh Nguyên, Nha Trang; khu đất số 9 Trường Sơn, Vĩnh Nguyên, Nha Trang.

Cũng trong năm 2023 và các năm kế tiếp, UBND huyện Ninh Hòa thực hiện đấu giá 290 lô đất ở diện tích 47.667m2; UBND huyện Cam Lâm thực hiện đấu giá nhiều khu đất với tổng diện tích 13.906,6m2; UBND huyện Khánh Sơn thực hiện đấu giá nhiều khu đất có tổng diện tích 7.069m2; UBND thành phố Cam Ranh thực hiện đấu giá nhiều khu đất có tổng diện tích 12.597m2;…

Riêng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản, năm 2022 Khánh Hòa đã tổng hợp và giải quyết được 94/134 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.

Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát các dự án có loại đất ở không hình thành đơn vị ở.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu xác định tổng số các dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (kể cả tại các quyết định về quy hoạch xây dựng) có loại đất ở không hình thành đơn vị ở; bao nhiêu dự án đã chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu rà soát thống kê bao nhiêu trường hợp chủ đầu tư không thống nhất thực hiện chuyển từ đất ở không hình thành đơn vị ở sang đất thương mại, dịch vụ. Qua đó đề xuất phương án xử lý đối với các trường hợp này.

Không riêng gì việc tháo gỡ khó khăn trong việc tách thửa đất, nguồn cung các dự án bất động sản phát triển nhà ở tại tỉnh Khánh Hòa cũng được dự báo sẽ phát triển sôi động khi mà HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Nghị quyết thông qua điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, năm 2021, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết số 121/NQ-HĐND về chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, do xuất phát từ nhiều vấn đề trong thực tiễn nên cuối tháng 12 vừa qua, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND về việc thông qua điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030.

Đối chiếu với chương trình phát triển nhà ở được thông qua vào năm 2021, chương trình phát triển nhà ở được thông qua lần này đã điều chỉnh tăng mạnh diện tích phát triển nhà ở trong giai đoạn đến năm 2025 và cả giai đoạn đến năm 2030.

Chờ cuộc đổ bộ của những “ông lớn”

Sự phát triển của thị trường bất động sản gắn bó mật thiết với tình hình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và tiến trình đô thị hóa tại các địa phương nói riêng.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản giai đoạn hiện nay không hoàn toàn lặp lại chu kỳ khủng hoảng giai đoạn trước đó.

Sở dĩ nhiều chuyên gia đưa ra nhận định nêu trên là vì kinh tế phát triển ổn định, việc phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng đang diễn ra mạnh. Cùng với đó, nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư kinh doanh bất động sản đang ở mức cao,…

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Khánh Hòa trong năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật như chỉ số công nghiệp tăng gần 24%, doanh thu du lịch tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, thu ngân sách tăng hơn 12%.

Đặc biệt, GRDP của tỉnh tăng gần 20,5% – mức cao nhất trong 10 năm qua và là tỉnh có mức tăng cao thứ hai cả nước.

Kết luận tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ hai diễn ra vào cuối năm 2022, ông Nguyễn Tân Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trong năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo kiến nghị và được Trung ương quan tâm, ban hành một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh.

Gần đây nhất, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt danh mục 122 dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích trong thu hút đầu tư tại tỉnh Khánh Hòa trong năm 2023 và những năm tiếp theo sau đó.

Trong số 122 dự án nếu trên có nhiều dự án trọng điểm có quy mô đầu tư lớn. Đơn cử như dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế chất lượng cao quy mô 1.000 tỉ đồng thuộc Khu đô thị Mỹ Gia; Nhà máy xử lý rác Vĩnh Lương quy mô 2.500 tỉ đồng thuộc xã Vĩnh Lương; Trường tiểu học, trung học quốc tế quy mô 450 tỉ đồng thuộc Khu đô thị Mỹ Gia; Khu đô thị Trung tâm thương mại cồn Ngọc Thảo và Khu biểu diễn nghệ thuật cồn Nhất Trí quy mô 60ha; Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh quy mô 42.000 tỉ đồng thuộc TP. Cam Ranh; Khu đô thị mới huyện Cam Lâm quy mô 17.000ha và Trung tâm Khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế – Trung tâm Trí tuệ toàn cầu quy mô 350ha.

Phát triển ba vùng trọng điểm

Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại Khánh Hòa được thực hiện nhằm điều chỉnh không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.

Trong đó, TP Nha Trang sẽ đóng vai trò là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng và huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Việc phát triển các vùng kinh tế – xã hội của tỉnh sẽ theo hướng phát triển đột phá ba vùng trọng điểm là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.

Bài viết mới