Kỷ lục… đường tồn kho

Nông dân và doanh nghiệp mía đường đang “ngồi trên đống lửa” Tìm lối ra cho ngành Mía đường Việt Nam Để người trồng mía đường sống được, ngành Mía đường không phá sản

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sự tác động mạnh từ cam kết của Việt Nam về việc dần xóa bỏ rào cản thuế nhập khẩu cho các nước ASEAN khi gia nhập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Kỷ lục… đường tồn kho

Theo số liệu thống kê, vùng ĐBSCL là nơi trồng mía lớn nhất của cả nước, với diện tích xuống giống trong những năm gần đây khoảng 50.000ha, sản lượng đường cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 tấn/năm.

Trong đó, Hậu Giang là tỉnh có diện tích mía lớn nhất của vùng với gần 11.000ha, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho 2 DN sản xuất đường trong tỉnh (gồm: Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và Công ty Casuco).

Thế nhưng, bắt đầu vào khoảng đầu tháng 10-2017 và kéo dài đến thời điểm hiện tại thì tình hình tiêu thụ đường của các nhà máy đường vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục giảm. Lượng đường tồn kho dần đẩy lên mức kỷ lục do sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, nhiều nhà máy đường sau khi chứa đường đầy hết trong kho phải đem chất ra ngoài đường đi xung quanh nhà máy.

Kỷ lục… đường tồn kho - Ảnh 1.

Ngành mía đường vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.

Tính đến tháng 1-2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho khoảng 239.000 tấn đường, trong đó Công ty Casuco hơn 30.000 tấn.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Casuco cho biết, tình hình tiêu thụ đường trong những năm gần đây luôn gặp nhiều trở ngại, nhất là vào thời điểm cận và khi Việt Nam chính thức hạ rào cản thuế nhập khẩu đường với các nước trong khối ASEAN.

Cụ thể, giá đường vào thời điểm đầu tháng 10-2017 dao động từ 13.000-13.500 đồng/kg, giảm từ 2.000-2.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Chưa dừng lại, sang tháng 1-2018 và kéo dài đến thời điểm này là giá đường chỉ còn 12.500 đồng/kg. Với mức giá này thì hầu hết các nhà máy đường đều bị lỗ nếu xuất bán. Do đó, nhiều DN còn trữ lại nên dẫn tới lượng đường tồn kho ở mức kỷ lục…

Việc đường tiêu thụ chậm và giá bán giảm mạnh không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất của các nhà máy đường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng mía.

Ghi nhận tại các vùng trồng mía của TP Vị Thanh, giá mía nguyên liệu sụt giảm mạnh, giống suphanburi 7 có giá từ 750-800 đồng/kg, giảm từ 150-200 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 11-2017. Nhiều người trồng mía chỉ huề vốn, còn hộ nào thuê đất thì bị lỗ nặng.

Còn “lép vế” so với đường Thái

Tuy ĐBSCL là vùng có diện tích mía lớn nhất của cả nước, nhưng do đặc thù về thổ nhưỡng là vùng trũng thấp và bị ngập lũ hàng năm nên tình hình sản xuất mía của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.

Điển hình tại vùng mía Hậu Giang, đa phần người trồng mía nơi đây có diện tích nhỏ lẻ, manh mún khi bình quân dưới 1ha/hộ và hầu hết diện tích mía đều có mương rãnh xen lẫn đất liếp mía nên việc sản xuất ở các khâu như: đào hộc, trồng mía, đánh lá, vô chân, thu hoạch… chủ yếu là lao động thủ công.

Tuy nhiên, giá thuê nhân công tăng mạnh, nhất là vào thời gian cao điểm mùa vụ mía, theo tính toán hiện công lao động thủ công chiếm hơn 60% tổng chi phí giá thành sản xuất mía.

Hiện tiền mướn nhân công thu hoạch mía lên đến 180.000 – 220.000 đồng/tấn, tăng hơn 30.000 đồng/tấn so với cùng kì…

Ngoài ra việc lưu gốc mía để phục vụ sản xuất trở lại cho mùa vụ sau chưa được thực hiện có hiệu quả tại các tỉnh, thành chuyên sản xuất mía tại ĐBSCL, nông dân đành “bấm bụng” mua mía giống do thương lái chở từ một số vùng mía khác đem về bán với giá cao.

Hơn nữa, việc đa dạng giống mía mới chưa được quan tâm nhiều nên bà con thường chỉ sản xuất với một số giống mía quen thuộc trong nhiều năm qua như: ROC 16, K88-92, Suphanburi 7, K95-289, R570 gây dễ phát sinh dịch bệnh khiến năng suất cũng giảm.

Chưa hết, do hệ thống đê bao của vùng ĐBSCL chưa khép kín nên bà con phải thu hoạch mía sớm để “chạy lũ” dẫn tới tỷ lệ mía có chữ đường (CCS) thấp. Đa phần thương lái vận chuyển mía bằng ghe và nằm chờ tài tại các nhà máy nên thời gian từ lúc mía được nông dân đốn xong cho đến khi mía đưa lên bàn cân, vào nhà máy ép thường mất thời gian từ 5-7 ngày khiến chữ đường giảm mạnh. Hiện chữ đường của vùng mía Hậu Giang chỉ đạt từ 9-9,5 CCS.

Theo Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, giá thành sản xuất mía nguyên liệu chiếm đến 70% trong tổng số giá thành sản xuất ra 1kg đường. Thế nhưng, mức giá sản xuất mía nguyên liệu tại ĐBSCL đang cao hơn rất nhiều so với các nước có mía trong khu vực ASEAN (tại Thái Lan, giá thành sản xuất 1kg mía của nông dân khi đem về tới nhà máy đường chỉ từ 700-750 đồng/kg, trong khi ĐBSCL trong nhiều năm qua là 1.000 đồng/kg).

Trong khi đó, năng lực sản xuất của các nhà máy đường còn rất hạn chế. Hiện công suất ép mía của các nhà máy đường vùng ĐBSCL chỉ dao động từ 2.000-3.500 tấn mía/ngày đêm, lượng đường hàng năm của cả nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn.

Trong khi Thái Lan, mỗi năm nước này sản xuất đến 12 triệu tấn đường, nhưng nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chỉ 2,5 triệu tấn. Hiện sản lượng đường Thái Lan vào thị trường Việt Nam đang tăng mạnh với giá thấp hơn đường trong nước khoảng 1.000 đồng/kg.

Đâu là giải pháp?

“Bài toán” đặt ra cho ngành mía đường của ĐBSCL là làm sao hạ giá thành sản xuất mía nguyên liệu từ 750-760 đồng/kg xuống còn 500 đồng/kg. Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, trong thời gian ngắn nhất, tỉnh phải rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất mía theo hướng chuyên canh, trong đó định hướng đến năm 2020 là chỉ duy trì 10.000ha để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được tốt hơn và đảm bảo đủ cung cấp nguồn mía nguyên liệu cho 3 nhà máy đường trong tỉnh hoạt động.

Dự kiến, trong quý I năm 2018, Hậu Giang sẽ ra mắt mô hình cánh đồng lớn cho cây mía, với diện tích dự kiến khoảng 1.000ha và phấn đấu đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 3.000ha. Cùng với đó, chính quyền sẽ vận động người dân trồng mía tham gia vào các HTX, tổ hợp tác hay câu lạc bộ… từ đó có thể củng cố và phát triển các HTX theo hình thức kiểu mới.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, khi hình thành được mô hình cánh đồng lớn và HTX hoạt động ổn định và phát triển thì Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho nông dân và DN.

Từ đây, từng bước sẽ tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm thay thế một số công đoạn lao động bằng thủ công ban đầu và định hướng sẽ thay thế toàn bộ bằng cơ giới hóa trong canh tác mía cho nông dân… Mục tiêu đặt ra trong phát triển vùng mía nguyên liệu là không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng.

Một trong những giải pháp hữu hiệu khác là các nhà máy đường không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đường. Bởi sản phẩm đường của các nước trong khu vực ASEAN khá tốt nên để cạnh tranh và trụ được thì đòi hỏi chất lượng đường của các nhà máy trong nước cũng phải tốt…

Đường tồn kho cao kỷ lục, Hiệp hội Mía đường nói gì?

Bài viết mới