Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2024 khi lĩnh vực bất động sản ổn định và nhu cầu bên ngoài cải thiện, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng chung trong khu vực.
Trong một báo cáo hôm thứ Hai (8/4), AMRO cho biết sự phục hồi dần dần của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc trong bối cảnh hỗ trợ chính sách liên tục sẽ thúc đẩy đầu tư bất động sản, tạo ra sức lan tỏa cho phần còn lại của khu vực.
Dự báo của AMRO gần như phù hợp với mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc là khoảng 5% – một con số được coi là đầy tham vọng và cần nhiều sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Nhưng quốc gia này vẫn còn phải đối mặt với đầy rẫy thách thức bất chấp tình hình được cải thiện vào đầu năm 2024. Theo khảo sát của Bloomberg, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ tăng 4,6% trong năm nay.
Nhà kinh tế trưởng Hoe Ee Khor của AMRO cho biết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục là một cường quốc trong khu vực và là động lực tăng trưởng chính”. Điểm yếu của lĩnh vực bất động sản “sẽ cần thời gian để khắc phục, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra. Chúng tôi kỳ vọng lực cản tăng trưởng này sẽ chạm đáy trong năm nay”.
AMRO dự báo tăng trưởng ở các quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tăng 4,5% trong năm nay từ mức 4,3% của năm ngoái. Nhu cầu nội địa có thể vẫn ổn định, được củng cố bằng đà phục hồi đầu tư và chi tiêu tiêu dùng vững chắc. Nhóm nghiên cứu cho biết phục hồi xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và du lịch sẽ tạo thêm lực đẩy cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chắc chắn cho kịch bản trên. Một rủi ro lớn là Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến. Do đó, nếu Trung Quốc tăng trưởng 4,3% trong năm nay, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo của AMRO, thì tăng trưởng khu vực sẽ giảm 1,7 điểm phần trăm do thương mại, đầu tư và du lịch sẽ bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm khoảng 3/4 đóng góp của châu Á vào tăng trưởng toàn cầu.
AMRO cũng cho biết, nguy cơ lạm phát của khu vực đang không rõ ràng. Giá hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ bình thường trở lại nhưng nhu cầu nội địa ngày càng tăng, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, và các hành động của chính phủ ở từng quốc gia cụ thể (chẳng hạn như cắt giảm trợ cấp ở Thái Lan và Malaysia) sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cả tại ASEAN+3.
“Sự phân mảnh địa kinh tế” cũng đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã chậm lại do thuế quan cao, các hành động thương mại tại chỗ và ăn miếng trả miếng.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến sẽ phục hồi sau khi sụt giảm nhiều năm do nhu cầu chip từ Trung Quốc – quốc gia chiếm khoảng 1/3 nhu cầu toàn cầu – phục hồi “nhanh chóng” trong nửa cuối năm nay. Doanh số bán chip toàn cầu dự kiến tăng trung bình 9,5% mỗi năm từ năm 2025 đến 2026.
Trong khi đó, sự phục hồi và giảm phát tiếp tục sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu của châu Á. Lượng khách du lịch đến châu lục này dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024 đến 2025.
Nhân khẩu học tiếp tục là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm. Theo AMRO, dân ở khu vực châu Á đang già đi nhanh hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới, với tổng dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm trong nửa sau của thập kỷ này. Điều này sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng và sự ổn định kinh tế của khu vực.