Kinh tế Việt Nam 2017 và đầu năm 208 đã khởi sắc và nhiều ý kiến cho rằng đó là nền tảng vững mạnh để các tháng còn lại của năm nay tiếp tục bứt tốc. Tuy nhiên theo TS. Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc Dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thì chúng ta cũng đừng quá tự tin, đừng quá lạc quan vào những gì đã đạt được, đừng vội ngủ quên trên chiến thắng mà quên đi các nhiệm vụ cần thực thi để duy trì đà tăng trưởng ấy.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn của GS.TS. Trần Thọ Đạt về nền kinh tế 2018 để quý độc giả cùng theo dõi:
Kinh tế đã khởi sắc
Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã có kết quả vượt mọi mong đợi và được đánh giá là khả quan nhất trong nhiều năm qua. Đây là năm mà nền kinh tế đã đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, trong đó điểm sáng nhất là tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Qua 2 tháng đầu của năm 2018, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực: sản xuất công nghiệp tăng 15,2%, gấp hơn 6 lần mức tăng cùng kỳ năm trước, khai khoáng tăng trở lại ở mức 5,7%, xuất khẩu tăng mạnh và nền kinh tế xuất siêu hơn 1 tỷ USD (so với cùng kỳ năm trước nhập siêu gần 50 triệu USD).
Một số chỉ tiêu khác như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; khách quốc tế đến Việt Nam; vốn FDI thực hiện đều có mức tăng rất ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm đã có trên 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và 29,3% về vốn đăng ký và gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Phần lớn các dự báo hiện tại đang đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để duy trì tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% và lạm phát thấp dưới 4% nhờ các yếu tố thuận lợi đến từ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn trong năm 2018, các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đang trên đà tăng, nhờ đó vẫn sẽ giữ nhịp để thu hút dòng vốn nước ngoài đang trong quá trình chuyển dịch vị trí cuối của chuỗi sản xuất Đông Á về Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018 sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn so với các năm trước nhờ môi trường kinh doanh đã được cải thiện tốt hơn.
Từ góc độ sản xuất, kinh tế năm nay dự kiến sẽ được thúc đẩy chủ yếu từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Ngành dịch vụ với tỷ trọng đến hơn 40% GDP vẫn được dự báo sẽ duy trì tốc độ gia tăng nhanh chóng và khu vực này sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế…
… Nhưng không chủ quan, hứng khởi “quá đà”
Tuy nhiên, thách thức của việc đảm bảo nền kinh tế thực sự bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới còn rất lớn, những tín hiệu khởi sắc ban đầu này cần được duy trì bằng các nỗ lực liên tục để cải thiện chất lượng tăng trưởng – là chìa khóa để nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn.
Nếu xét kỹ động lực và nguồn tăng trưởng trong năm được coi là khá thành công vừa qua, có thể thấy rất rõ nền kinh tế tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng. Các chỉ số phản ánh chất lượng của các nguồn lực tăng trưởng còn khá thấp và chưa cải thiện rõ nét. Hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) vẫn ở mức cao hơn bình quân giai đoạn 2005-2010 và cao hơn so với các nước khác ở giai đoạn phát triển tương đương. Tốc độ tăng năng suất đang có xu hướng giảm dần và chưa đủ nhanh để giảm được cách biệt quá lớn về chênh lệch năng suất lao động với các nước trong khu vực. Xu hướng giảm tốc độ tăng TFP đã quay trở lại từ năm 2014.
Và hiện tại, nền kinh tế cũng đang đối diện với các thách thức lớn.
Thứ nhất, dư địa tác động của các chính sách tiền tệ và tài chính đang dần bị thu hẹp. Tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức cao, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn đang đối diện với vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Trong khi đó, rủi ro thâm hụt ngân sách và nợ công cũng khiến dư địa cho chính sách tài khóa không còn nhiều. Trên thực tế, cơ quan quản lý ngân sách vẫn đang “nỗ lực” tìm cách tăng thu thông qua các phương án tăng thuế suất mà chưa có giải pháp rõ ràng và toàn diện để chống thất thu, mở rộng cơ sở thu. Cơ cấu chi tiêu ngân sách vẫn đang ở tình trạng rất đáng lo ngại khi tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước trong 2 tháng đầu năm 2018 lại vọt lên 83,1%; trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 4,2%. Sức ép lạm phát cũng đang lớn dần khi qua 2 tháng đầu năm, lạm phát đã ở mức 1,24% so với cuối năm 2017 – mức cao nhất 4 năm qua và cao hơn hẳn các nước trong khu vực.
Thách thức thứ hai là cần sớm có chiến lược và giải pháp định vị lại vai trò động lực tăng trưởng của các thành phần kinh tế. Nền kinh tế hiện nay đang dựa chủ yếu vào khu vực FDI chủ yếu là sản xuất gia công, chúng ta có thể sẽ rơi vào “bẫy giá trị thấp” trong quá trình chuyển dịch vị trí cuối của chuỗi sản xuất Đông Á về Việt Nam. Cần có các chính sách và giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực tư nhân trong nước, trong bối cảnh khu vực nhà nước vẫn đang trong tình trạng thiếu hiệu quả.
Đà tăng trưởng và khởi sắc ban đầu của nền kinh tế cần được tiếp tục ngay và quyết liệt hơn, cụ thể hơn thông qua các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thực thi ngay các giải pháp thực chất hướng đến doanh nghiệp để giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ các rào cản hạn chế khả năng tiếp cận và gia tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất (vốn, lao động, cơ sở hạ tầng và logistics) và chi phí khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, để từ đó xây dựng động lực tăng trưởng cho nền kinh tế một cách bền vững.