Ngày 24/9 tới, nước Đức sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Liên bang có ý nghĩa quan trọng. Chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày bầu cử, đương kim Thủ tướng Angela Merkel – người nếu chiến thắng sẽ có nhiệm kỳ thứ 4 – hiện đang nắm khá chắc vị thế dẫn đầu trong các cuộc trưng cầu dân ý.
Có thể nói một trong những yếu tố cực kỳ thuận lợi hỗ trợ đắc lực cho bà Merkel chính là nền kinh tế Đức đang ở trong vị thế hùng mạnh nhất ở Tây Âu. Nhờ thành công của kinh tế Đức trên trường quốc tế, bà vẫn có thể thuyết phục các cử tri rằng toàn cầu hóa là thứ có lợi cho tất cả mọi người, bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump và một vài lãnh đạo khác trên thế giới phản đối điều đó.
Kinh tế Đức diễn biến như thế nào dưới thời bà Merkel?
Kể từ khi bà lên nhậm chức năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm một nửa. Trong nhiệm kỳ thứ hai, kinh tế Đức tăng trưởng trung bình 2% trong khi cả châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng nợ công. Dù sau này mức độ chênh lệch đã giảm xuống, Đức vẫn là nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu.
Những con số này đã tác động đến cử tri. Từ năm 2005 đến 2013, bà Merkel đem đến cho liên minh 2 đảng CDU và CSU tỷ lệ ủng hộ tốt nhất kể từ năm 1990. Liên đảng này đã bỏ xa đối thủ SPD trong nhóm các cử tri là người lao động và thu hẹp khoảng cách trong nhóm cử tri là thành viên công đoàn.
Điều này cũng dễ hiểu khi mà nhiều người lao động đang được hưởng thành quả từ hoạt động xuất khẩu bùng nổ. Dù kinh tế Đức nói chung và xuất khẩu nói riêng phục hồi khá chậm chạp kể từ năm 2014 đến nay, họ khó lòng quên được những năm tháng thịnh vượng mà bà đã mang lại.
Tiếng nói ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc mạnh lên trên toàn cầu, bà Merkel trở thành một trong những lãnh đạo ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ nhất. Đó là bởi vì Đức được hưởng lợi lớn từ tự do thương mại. Theo số liệu của Liên hợp quốc, Đức ghi nhận thặng dư thương mại đạt 280 tỷ USD trong năm ngoái, chỉ đứng sau Trung Quốc (479 tỷ USD). Trong mấy năm gần đây, xuất khẩu đóng góp 46% GDP Đức theo số liệu của World Bank. Tỷ lệ ở Mỹ chỉ là 13%.
Tất nhiên điều này cũng mang lại một số ảnh hưởng tiêu cực. Đức rất “mong manh” trước bất kỳ động thái nào đi ngược lại tự do thương mại, ví dụ như Anh rời EU hay Mỹ tăng thuế nhập khẩu hoặc Trung Quốc chuyển mình từ “công xưởng gia công” sang sản xuất các mặt hàng công nghệ cao.
Vị trí địa lý của nước Đức
Các vùng xuất khẩu chủ lực của Đức
Trong số 8 bang mà liên đảng CDU/CSU giành được tối thiểu 40% số phiếu tại cuộc tổng tuyển cử năm 2013, có 4 bang “chịu trách nhiệm” cho hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Đức: Baden-Wuerttemberg; Bavaria; North Rhine-Westphalia và Lower Saxony.
Từ 27 đến 35% lực lượng lao động của các vùng này làm việc trong ngành sản xuất và đóng góp ít nhất 25% GDP của bang trong năm 2016. Đây cũng là “nhà” của 10 tập đoàn sản xuất lớn nhất nước Đức xét theo doanh thu, từ các tập đoàn ô tô như Daimler và BMW đến tập đoàn hóa chất BASF SE hay nhà sản xuất thang máy ThyssenKrupp.
2/3 hàng hóa xuất khẩu của Đức đến các nước còn lại ở châu Âu, nhưng Đức thực sự là nơi mà hoạt động thương mại toàn cầu ghi dấu ấn đậm nét với 130 phòng thương mại đặt ở 90 nước khác nhau, trong đó có 35 ở châu Á và hơn 20 ở Mỹ Latin.
Cường quốc công nghiệp
Thế mạnh xuất khẩu của Đức có được là nhờ sự thống trị trong một số ngành gồm công nghiệp và các máy móc khác (chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu), ô tô và linh kiện ô tô (hơn 15%), dược phẩm (6%). Đức có những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Volkswagen, Siemens và Bayer. Những công ty khác ít nổi tiếng hơn nhưng cũng có tầm quan trọng không kém với lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ euro.
Truyền thuyết Mittelstand
“Xương sống” của nền kinh tế Đức là Mittelstand – cụm từ chỉ nhóm gồm 3 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là các doanh nghiệp gia đình. Các Mittelstand chiếm 61% lực lượng lao động, đóng góp khoảng một nửa GDP và xuất khẩu lượng hàng hóa dịch vụ đạt 246 tỷ USD trong năm 2015.
Nếu gộp cả nhóm Mittelstand này với các công ty kiếm được hơn 1 tỷ euro, bạn sẽ có được 1.465 công ty trên tổng số 1.650 công ty Đức nằm trong danh sách dẫn đầu thế giới do nhà tư vấn quản trị doanh nghiệp Bernd Venohr biên soạn. Nhóm nghiên cứu của ông đã dành ra 15 năm thu thập dữ liệu về các công ty nằm trong top 3 dẫn đầu thị trường ngách mà họ đang hoạt động.
Đức có hơn 1.600 công ty nằm trong top 3 của ngành.
Năm ngoái, những công ty này (mà chủ yếu tập trung ở phía Nam nước Đức, dọc bờ sông Rhine) mang về tổng doanh thu 2.200 tỷ euro, tuyển dụng 8,6 triệu nhân viên trên toàn thế giới.
Lực lượng lao động “độc nhất vô nhị”
Các nhà máy của Đức có thể tuyển dụng lực lượng lao động lành nghề một phần là nhờ hệ thống đào tạo nghề đã được thế giới công nhận và tán dương. Nổi tiếng nhất là chương trình thực tập toàn quốc kết nối các học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông với các công ty trên toàn nước Đức. Năm 2016 BMW nhận 1.200 người mới, ThyssenKrupp nhận 971 và BASF nhận 837. Cả nước có 1,3 triệu thực tập sinh.
Ác mộng dân số của người Đức
Thật không may là để duy trì sức mạnh kinh tế thì nước Đức cần đến nhiều lao động nhưng lại đang bị thiếu hụt. Dự đoán được cơ quan thống kê Đức đưa ra năm 2015 cho thấy dân số của nước này sẽ giảm từ mức hơn 80 triệu xuống còn 67,6 triệu người vào năm 2060 nếu như số lượng người nhập cư giảm và dân số tiếp tục già hóa.