“Người ta hay nói Fail smart (Thất bại thông minh – PV), nhưng phải nói là thời điểm mình Fail không thấy Smart chút nào. Nó rất Stupid với bản thân mình. Thật khủng khiếp! Tất cả mọi thứ đều sụp đổ”, Vũ Nguyệt Ánh – Founder kiêm CEO của ứng dụng hẹn hò Rudicaf – chia sẻ câu chuyện thất bại của mình tại sự kiện Fail Smart số 5 trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techfest 2017).
10 năm qua, có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò ra đời và đã thất bại. Startup đầu tiên của Ánh nằm trong số những công ty thất bại đó.
“Vay ngân hàng vài trăm triệu để khởi nghiệp, từ tay trắng tôi đã xây nên một cục nợ!”
Ánh có background khá nổi bật. Cấp 3 học trường Amsterdam. Cộng tác với đài truyền hình từ năm lớp 9, nên Ánh đặt truyền hình làm lĩnh vực theo đuổi. Cô học đạo diễn truyền hình tại ĐH Sân khấu điện ảnh và tốt nghiệp bằng giỏi, được trường cử sang Hàn Quốc dự trại hè phim Hàn.
Ra trường với một CV rất đẹp, cô được Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam nhận vào làm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cảm thấy không hợp với môi trường Nhà nước, cô bay vào Sài Gòn, đầu quân cho YanTV.
Công việc này cũng chỉ giữ chân Ánh được 3 tháng, nhanh chóng chán việc, cô lại được một công ty truyền thông trong Sài Gòn mời về làm Phó Giám đốc Điều hành.
“24 tuổi làm Phó Giám đốc điều hành, tôi thấy oai lắm. Nhưng làm được một thời gian tôi bắt đầu thấy oải”, Ánh tâm sự.
Thời gian làm trong lĩnh vực truyền hình quá lâu khiến đam mê, nhiệt huyết của Ánh với ngành giảm dần. Cô bắt đầu thấy chán với việc đi quay, dựng, rồi phát sóng… Và cô ấp ủ một Startup của riêng mình.
Vốn thích kết nối mọi người, cô lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực hẹn hò. Nhưng thay vì hướng tới thị trường mass (đại chúng) với việc tham gia free hoặc phí rất thấp, cô nhắm tới thị trường niche (ngách) – cung cấp dịch vụ hẹn hò bài bản và chuyên nghiệp.
Năm 2011, không nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, cô vay ngân hàng vài trăm triệu đồng với lãi suất cao để bắt đầu công ty của riêng mình với suy nghĩ “nếu thất bại thì đi làm thuê vài năm để trả nợ”.
Và cô thất bại thật.
Việc không am hiểu thị trường, không hiểu biết về khách hàng và hành vi của họ, cũng như không có kinh nghiệm về quản lý tài chính, khiến cô phải đóng cửa công ty.
“Tôi cứ nghĩ rất ngây ngô là chỉ cần tổ chức 5 sự kiện hẹn hò giảm giá, đến sự kiện thứ 6, mọi người thấy tốt sẽ đến. Nhưng tổ chức đến 10 sự kiện rồi, mọi người khen hay, khen tốt, nhưng để bỏ ra một mức mà tôi có thể có lãi là 600.000 đồng/người vào thời điểm năm 2011 là rất khó”.
“Tôi thường xuyên phải bán vé ở mức 100.000 – 150.000 đồng/khách. Mà chi phí bỏ ra riêng trả cho nhà hàng đã là 220.000 đồng/người. Sau 10 sự kiện, tôi trắng tay. Từ bàn tay trắng, tôi đã xây nên một cục nợ rất to”, Ánh tâm sự.
Ảnh cắt từ clip của VTC14.
Từ ngày học cấp 3 chuyên Pháp ở Trường Amsterdam, Ánh luôn được mẹ khuyến khích du học Pháp, nhưng cô từ chối. Cô cho rằng du học xong thì không biết mang tấm bằng về làm gì.
Thay vì bỏ ra vài tỷ hoặc mấy trăm triệu đi du học nước ngoài, cô nghĩ bỏ ra vài trăm triệu để kinh doanh trong lĩnh vực mình thích, dù thất bại cũng sẽ học được nhiều điều từ thương trường.
Và thời điểm thất bại đó, với tất cả sự sĩ diện của một cô gái trẻ từng thành đạt, Ánh nói cứng với mẹ: “Mẹ cứ coi như đó là con trả học phí. Bây gờ học xong rồi, con sẽ đi làm để trả nợ khoản học phí đấy”.
“Tôi phải nói cứng như vậy, chứ chả lẽ nói “Con sai rồi”. Nhưng thực sự là tôi suy sụp. Tôi đã bị stress trong một thời gian rất dài, cảm thấy mình thất bại khủng khiếp. Tôi đang làm trong lĩnh vực truyền hình, đang rất oai, nhưng giờ thành người trắng tay, ôm một cục nợ rất to”, Ánh nói.
“Tôi là người tự tôn, sĩ diện. Thời khắc bị fail tôi không dám tâm sự với ai… Tôi cũng đóng cửa Facebook. Tôi không đủ can đảm đối diện với mọi người với câu hỏi ‘Công ty của em như thế nào rồi’”.
Sau đó, Ánh đã gượng dậy, nhận làm vị trí đại diện quản lý văn phòng YanTV ở Hà Nội lúc ấy đang trống để kéo cày trả nợ.
3 – 4 năm sau đó cô sống không dễ dàng. Đang quen rủng rỉnh tiền tiêu vì thu nhập rất khá trước đó, giờ phần lớn tiền phải để dành trả ngân hàng. Lương về tài khoản rồi lương lại đi, cô chỉ chừa lại một ít đủ để trang trải ăn uống.
Đứng lên từ nơi vấp ngã
Vẫn giữ đam mê trong lĩnh vực hẹn hò, Ánh tìm cách học hỏi thêm từ những trải nghiệm.
Vốn không biết học ở đâu để có kiến thức trong lĩnh vực này, Ánh học bằng cách đóng vai người dùng, trải nghiệm tất cả dịch vụ hẹn hò ở thời điểm đó, thậm chí thấy có Startup tốt, cô cũng ngỏ ý xin vào làm để học hỏi.
Ngoài ra, cô sử dụng rất nhiều Apps hay Website hẹn hò để trải nghiệm khách hàng sẽ cần gì và muốn gì. Song song với đó, cô vẫn đóng vai trò cung cấp dịch vụ hẹn hò cho những bạn bè quen khi họ đến nhờ vả. Tất nhiên, việc hỗ trợ này hoàn toàn miễn phí.
Việc hỗ trợ miễn phí này cũng giúp cô có thêm nhiều case study và insights thú vị về lĩnh vực này.
Khi đã trả được nợ, tích lũy đủ kinh nghiệm, vốn liếng, insight thị trường, Ánh bắt đầu lại từ nơi mình đã ngã. Đầu năm 2016, Rudicaf ra đời.
“5 năm là đủ để mọi người dùng quá nhiều và nhận thấy rằng: Họ không muốn mất thời gian như trước nữa, họ sẵn sàng trả tiền để có một cuộc hẹn hò chất lượng. Khi Rudicaf vừa ra, nói thị trường đón nhận thì không đúng, nhưng người dùng đã sẵn sàng hơn rất nhiều”.
“Chỉ cần những cú huých truyền thông, khi mọi người biết đến có một Rudicaf thì mọi người đổ dồn đăng ký rất đông. Ngày xưa, tôi quằn quại tìm khách hàng, giờ tôi lại quằn quại lọc khách hàng. Tôi mất 80% thời gian để lọc khách hàng phù hợp, sau đó đến các bước thẩm định, phỏng vấn, lọc hồ sơ và đưa lên Apps”, Ánh chia sẻ.
Nhìn lại cú ngã của mình 6 năm trước, Ánh cho rằng có 4 bài học kinh nghiệm cô đúc rút được.
1, Phải có insight khách hàng, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong lĩnh vực bắt đầu, phải có hiểu biết về thị trường, đối thủ. Chỉ nghĩ mình thích lĩnh vực này và có kỹ năng ở lĩnh vực khác sẽ làm được, là sai.
2, Phải chọn chính xác thời điểm mà thị trường có thể đón nhận. “Nếu năm 2011, tôi xác định thị trường là mass như các Startup khác thì có lẽ vẫn có cơ hội”, Ánh nói.
3, Các kỹ năng khác như quản trị, nhân sự, tài chính… các bạn trẻ khi khởi nghiệp nên chuẩn bị kỹ.
4, Với lĩnh vực mới mẻ như hẹn hò thì phải làm truyền thông và thương hiệu rất tốt. Mọi người vẫn tranh cãi về việc nên lấy việc làm Truyền thông hay làm Sản phẩm là việc chủ chốt, Ánh cho rằng phải làm song song.
Team Rudicaf trong lễ kỷ niệm 1 năm ra mắt. Ảnh: Facebook nhân vật.
“Không thể là thùng rỗng kêu to. Nhưng với dịch vụ hẹn hò của Rudicaf thì không chỉ làm chất là được, mà còn phải truyền thông tốt để mọi người biết và muốn sử dụng sản phẩm”, Ánh chia sẻ.
“Thành công của tôi còn ở rất xa, biết đâu mấy năm tới tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm Fail của Rudicaf. Nhưng tôi vẫn cảm ơn cái Fail của tôi. Thay vì treo một tấm bằng rất đẹp ở nhà để mẹ tôi tự hào thì tôi tự hào có những vết thương, vết chai đủ lớn để tôi lớn lên từng ngày, và tôi có thể chia sẻ với các bạn trẻ có ước mơ khởi nghiệp như tôi có thể rút ra những kinh nghiệm giá trị”.