Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng kỷ lục

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 14,38 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả lượng và giá trị.

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2017 ước đạt 466 nghìn tấn, giá trị đạt 210 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,57 triệu tấn và 2,02 tỷ USD, tăng 20,8% về khối lượng và tăng 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, với 38,8% thị phần.

Cùng với ngành hàng gạo, cao su cũng là ngành có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng đầu năm 2017, khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 979 nghìn tấn và 1,66 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 52,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su bình quân 8 tháng đầu năm 2017 đạt 1.715,7 USD/tấn, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với mặt hàng chè, khối lượng và giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt tương ứng là 103 nghìn tấn và 165 triệu USD, tăng 12,6% về khối lượng và 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè trong 8 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (gấp 2,66 lần), Ấn Độ (gấp 2,03 lần), Đài Loan (58,6%), Arab Saudi (17,4%).

Cũng giống như cao su, xuất khẩu hạt điều cũng có sự tăng trưởng mạnh về giá trị nhờ giá. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt gần 9.900 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 9, khối lượng hạt điều xuất khẩu ước đạt 32.000 tấn với giá trị 320 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu hạt điều 9 tháng ước đạt 257.000 tấn với 2,55 tỷ USD, giảm 0,2% về khối lượng nhưng tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Mặt hàng chè vẫn duy trì sự tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Sau 9 tháng, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 103.000 tấn với 165 triệu USD, tăng 12,6% về khối lượng và tăng 11,9% về giá trị.

Đến nay, rau quả cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm khoảng 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ…

Trong các nông sản chính xuất khẩu, tiêu vẫn làm mặt hàng có sự giảm mạnh về giá trị (19%) trong khi khối lượng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng cao (23% so với cùng kỳ năm ngoái). Đến nay, khối lượng xuất khẩu tiêu ước đạt 181.000 tấn với 966 triệu USD.

Tuy nhiên, cà phê là mặt hàng giảm mạnh về khối lượng. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cà phê giảm 20,7% về khối lượng, ước đạt 1,11 triệu tấn.

Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, ước giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2017 đạt 5,51 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2017 – chiếm 70,3% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhóm mặt hàng thủy sản, tháng 9 thu về kim ngạch 696 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,6% tổng giá trị kim ngạch thủy sản.

Trong 9 tháng, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 21,15 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, toàn ngành nông nghiệp đã xuất siêu đạt gần 5,85 tỷ USD.

Tiêu thụ nông sản: Những rào cản cần tháo gỡ

Bài viết mới