Kiểm toán “cạn lời” với báo cáo tài chính của một công ty thép

Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất đã bị kiểm toán chỉ ra một loạt vấn đề trong báo cáo tài chính, thậm chí là có nguy cơ đe dọa tới khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Số liệu báo cáo tài chính “nhảy múa” sau kiểm toán

Bị kiểm toán viên từ chối đưa ra kết luận với báo cáo tài chính (BCTC) là một trong những điều tệ hại nhất với công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Mùa kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 mới chớm bước vào cao điểm, một số doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều số liệu “nhảy múa” sau soát xét.

Số liệu báo cáo tài chính “nhảy múa” sau kiểm toán. Ảnh minh họa

Đơn cử, CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (Mã: TNS) công bố BCTC tự lập năm 2022, ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt 624 tỷ đồng, giảm 60% và lãi sau thuế chỉ 368 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, BCTC sau kiểm toán công bố hồi đầu tháng 3 vừa qua ghi nhận lợi nhuận sau thuế lại giảm 28,5% so với báo cáo tự lập, xuống còn vỏn vẹn 263 triệu đồng. Bên cạnh đó, kiểm toán còn chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Có tới 4 nguyên nhân khiến công ty kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Thép tấm lá Thống Nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022.

Thứ nhất, kiểm toán cho rằng Công ty chưa ghi nhận chi phí lãi vay phải trả Tổng Công ty Thép Việt Nam và chi phí lãi chậm trả với Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ – Vnsteel. Căn cứ lãi suất quy định trên hợp đồng và dư nợ, số tiền lãi và lãi chậm trả lũy kế đến 31/12/2022 là 50,1 tỷ đồng (trong đó tiền lãi vay và lãi chậm trả lũy kế đến 01/01/2022 là 48,54 tỷ đồng). Điều này dẫn đến trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022 và ngày 01/01/2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả ngắn hạn” đang phản ánh thiếu và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” phản ánh thừa với cùng số tiền 50,1 tỷ đồng và 48,54 tỷ đồng.

Đồng thời, trên BCTC năm 2022 và 2021, chỉ tiêu “chi phí tài chính” đang phản ánh thiếu số tiền lần lượt 1,57 tỷ đồng và 7,08 tỷ đồng và chỉ tiêu “tổng lợi nhuận kế toán trước thuế” phản ánh thừa số tiền tương ứng.

Thứ hai, trong năm 2022, Công ty đã thực hiện đánh giá lại giá trị một số công cụ dụng cụ là trục cán thép đã phân bổ hết giá trị và theo dõi trên khoản mục “chi phí trả trước ngắn hạn”. Điều này dẫn đến khoản mục này phát sinh tăng và các chỉ tiêu giá vốn trong kỳ giảm và tổng lợi nhuận tăng tương ứng với tổng số tiền 8,4 tỷ đồng. Kiểm toán đã thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm toán, nhưng không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết đối với số liệu trên BCTC cho các chỉ tiêu chi phí trả trước ngắn hạn, giá vốn hàng bán và các khoản mục có liên quan.

Thứ ba, tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả đã quá hạn thanh toán là 209,67 tỷ đồng (tại ngày 01/01/20222 là 218,34 tỷ đồng), nợ ngắn hạn của Công ty vượt tài sản ngắn hạn với số tiền 151,6 tỷ đồng (tại ngày 01/01/2022 là 160,76 tỷ đồng), hệ số khả năng thanh toán nhanh là 0,11 (tại ngày 01/01/2022 là 0,15), lỗ lũy kế là 164,73 tỷ đồng (tại ngày 01/01/2022 là 164,99 tỷ đồng), nợ phải trả gấp 8,5 lần vốn chủ sở hữu (tại ngày 01/01/2022 là 9,6 lần), lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đang âm 7,5 tỷ đồng. Công ty chưa đạt thỏa thuận mới đáng kể nào về việc giãn nợ. Do đó, Công ty chưa thể thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong điều kiện hoạt động hiện tại.

Đơn vị kiểm toán nhận mạnh: “Các dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Tuy nhiên, BCTC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 của Công ty vẫn được trình bày dựa trên cơ sở đánh giá hoạt động liên tục.”

Thứ tư, theo “Biên bản xác nhận số liệu kiểm tra” của Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 08/08/2022, Công ty thực hiện ghi nhận doanh thu đối với khoản nợ phải trả cho Công ty TNHH Việt Nam Osaka Fuji số tiền 684 triệu đồng. Kiểm toán đã thực hiện đầy đủ thủ tục, nhưng không thể xác định được tính hợp lý và tính chính xác của việc ghi nhận thu nhập này.

Do đó, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về BCTC của Thép tấm lá Thống Nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022. Với nguyên nhân này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã quyết định đưa cổ phiếu TNS vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 16/03. Cổ phiếu TNS sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Người trong cuộc lên tiếng

Sau thông tin cổ phiếu TNS bị hạn chế giao dịch, CTCP Thép tấm lá Thống Nhất đã có văn bản giải trình về việc BCTC năm 2022 và phương án khắc phục.

Thép tấm lá Thống Nhất giải trình về việc BCTC năm 2022 và phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch

Cụ thể, đối với vấn đề chi phí lãi bảo lãnh của Tổng Công Ty Thép Việt Nam- CTCP (VNS) và chi phí lãi chậm trả mua hàng của công ty TNHH MTV Thép Tấm Lá Phú Mỹ (PFS), các khoản nợ phải trả đã quá hạn thanh toán tới thời điểm 31/12/2022, Công ty sẽ tiếp tục làm việc với VNS và PES về kế hoạch trả nợ và việc không tính lãi cho khoản dư nợ vào BCTC năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 và 2022 để có thể đạt được thỏa thuận trong năm 2023.

Đối với vấn đề đánh giá lại trục cán thép, công ty sẽ tiếp tục bổ sung các hồ sơ tài liệu bằng chứng nhằm đảm bảo tính phù hợp. Nếu vẫn chưa phù hợp chúng tôi sẽ xem xét lại việc đánh giá lại giá trị công cụ này và tiến hành điều chỉnh hồi tố trên báo cáo tài chính năm 2023 nếu cần thiết.

Đối với các dấu hiệu nghi vấn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghỉ ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Thép tấm lá Thống Nhất, công ty sẽ tiếp tục áp dụng các nhóm giải pháp và kêu gọi sự hỗ trợ từ các bên liên quan.

Đối với vấn đề công ty đã thực hiện xóa nợ đối với khoản nợ phải trả cho công ty TNHH Việt Nam Osaka Fuji với số tiền 684 triệu, công ty sẽ làm việc với doanh nghiệp trên để cùng thống nhất việc xóa nợ phải trả là phù hợp.

Trước đó, Thép tấm lá Thống Nhất đã công bố kế hoạch kinh doanh 2023, sản lượng sản xuất và tiêu thụ kỳ vọng đạt 120.000 thép; lên mục tiêu không để thua lỗ với mức lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng.

Bài viết mới