Kiểm soát chặt cho vay bằng ngoại tệ

8 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Tuy nhiên tỷ trọng tín dụng bằng ngoại tệ trong tổng dư nợ vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến ngày 31/7/2017, tỷ trọng tín dụng ngoại tệ là 9,05%; cùng kỳ năm 2016 chiếm tỷ trọng 9,14%. Theo đánh giá của NHNN mức tăng của tín dụng ngoại tệ phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.

Theo quy định tại Thông tư số 07/2016/NHNN ngày 27/5/2016 sửa đổi Thông tư số 24/2015/NHNN, cho phép TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn để thanh toán chi phí ngắn hạn trong nước thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu từ ngày 1/6/2016 đến hết 31/12/2016. Sau đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2016/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/NHNN.

Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2017, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối, được xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Bên cạnh đó, NHNN đã cho phép một vài NH nước ngoài ủy thác cho vay bằng ngoại tệ đối với một số công ty khối FDI.

Các TCTD cũng đã mua ròng một lượng ngoại tệ lớn từ cá nhân và doanh nghiệp

Các TCTD cũng đã mua ròng một lượng ngoại tệ lớn từ cá nhân và doanh nghiệp

Theo TS. Cấn Văn Lực, nếu chúng ta muốn chấm dứt hoặc muốn giảm mạnh quan hệ vay mượn bằng đô la Mỹ thì cơ chế tỷ giá cần phải tiếp tục điều hành linh hoạt hơn nữa. Đồng thời, tạo điều kiện để thị trường mua bán ngoại tệ dễ dàng hơn, theo hướng DN không vay ngoại tệ nhưng khi có nhu cầu cần mua thì được đáp ứng ngay. Bên cạnh đó, thị trường phái sinh ngoại hối cũng phải được quan tâm để góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Nói thêm về điều hành chính sách ngoại tệ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc NHNN kiên định mục tiêu áp dụng lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp và giảm xuống còn 0%/năm từ cuối năm 2015 là một trong các giải pháp hỗ trợ tích cực nhằm ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, giảm tình trạng đô la hóa. Thực tế cho thấy, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, quy định trần lãi suất huy động USD 0%/năm đã hỗ trợ tích cực cho ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Các TCTD đã mua ròng một lượng ngoại tệ lớn từ cá nhân và DN. Bên cạnh đó, luồng vốn vào Việt Nam tiếp tục ổn định; giải ngân vốn FDI cũng khá tích cực, qua đó hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.

Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu không để nguồn thu ngoại tệ ở nước ngoài do chính sách quản lý ngoại hối hiện hành đã quy định rất chặt chẽ việc chuyển nguồn thu ở nước ngoài về nước cũng như chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các chính sách đồng bộ của NHNN về lãi suất và tỷ giá giúp nâng cao vị thế VND, tạo lợi thế cho DN chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu sang VND phục vụ sản xuất kinh doanh.

NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ của TCTD theo hướng tập trung cho vay DN có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ và DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên. Cùng với các giải pháp điều hành CSTT, định hướng của NHNN là từng bước kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để tiến tới chấm dứt khi điều kiện cho phép.

Kiểm soát tín dụng ngoại tệ: Ngân hàng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Bài viết mới