Tín dụng ngân hàng vẫn chiếm 125% GDP
Không phải đến nay hoạt động kinh doanh của ngân hàng với nguồn kiếm lời chính từ cho vay mới được biết đến, điều này được coi là đặc tính của ngân hàng Việt, cũng bởi cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam hiện nay vẫn dựa vào ngân hàng là nguồn cung cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 9/2017, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đạt 12,16%, quy mô dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế đã lên tới 6,1 triệu tỷ đồng (cuối năm 2016 đạt 5,5 triệu tỷ đồng).
Năm 2016, quy mô GDP của Việt Nam là 202 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 9/2017, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,41%, tính ra, các khoản tín dụng trong nước được cung cấp bởi hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 125% GDP.
Mức độ vốn hóa của thị trường chứng khoán so với GDP tại Việt Nam tính đến hết quý III/2017 đã tăng 67% so với cuối năm 2016 lên 120,4 tỷ USD, ước tính chiếm khoảng 50-56% GDP.
Ngân hàng là “huyết mạch” của nền kinh tế.
Lãi từ cho vay bình quân chiếm 80%
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2017 của các ngân hàng cho thấy tỷ lệ lãi thuần từ hoạt động cho vay vẫn chiếm cao trong tổng thu nhập của ngân hàng.
Tuy nhiên, tỷ lệ này trong 9 tháng đầu năm 2017 của hầu hết các ngân hàng đang giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Tính bình quân, tỷ lệ lãi từ cho vay trên tổng nguồn thu của 13 ngân hàng khảo sát trong 9 tháng đầu năm 2017 giảm còn khoảng 80% so với mức gần 85% cùng kỳ năm 2016.
Đây là con số giảm khá ấn tượng và nhanh nếu tính chỉ trong vòng 01 năm qua.
Nguồn: BCTC các ngân hàng
Hầu hết các ngân hàng khảo sát đều giảm tỷ trọng nguồn thu từ lãi cho vay so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý là SHB giảm tỷ trọng nguồn thu này từ mức 80,7% 9 tháng đầu năm 2016 còn 69,4% cùng kỳ năm 2017. Nguồn thu bù đắp cho khoản “thiếu hụt” này của SHB đến từ mảng dịch vụ trong quý III/2017 lên tới 844 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và vượt cả thu nhập lãi thuần đạt 716 tỷ đồng.
ACB cũng giảm mạnh tỷ trọng thu từ lãi cho vay từ mức 93,4% trong 9 tháng 2016 xuống còn 76% cùng kỳ 2017.
Còn Sacombank tỷ trọng thu lãi cho vay vẫn chiếm thấp so với trong khối ngân hàng là 67% trong 9 tháng 2017, nhưng đã tăng so với cùng kỳ 2016 chỉ 60%. Nếu duy trì tỷ trọng này ở mức 60%, Sacombank sẽ là ngân hàng không quá phụ thuộc vào tín dụng.
Tuy nhiên, vẫn nhận thấy, những ngân hàng nhỏ như KienLongBank vẫn có tỷ lệ lãi từ cho vay rất cao chiếm tới gần 92% tổng thu nhập và đạt 767 tỷ đồng trên 835 tỷ đồng tổng thu nhập.
Tỷ lệ này cũng tương tự ở TPB là 88%, VIB là 83,2%, NCB (mã NVB) là 88,7% và VPBank là 85%.
Các ngân hàng lớn như: BIDV và Vietinbank lãi từ cho vay cũng chiếm tới 83% tổng nguồn thu, đưa con số tuyệt đối lãi thuần của BIDV là23.130 tỷ đồng và Vietinbank là 19.917 tỷ đồng, cao nhất ngành.
Nguồn: BCTC các ngân hàng
Lãi từ cho vay vẫn gia tăng nhờ tín dụng tăng
Đáng chú ý, mặc dù tỷ trọng lãi thuần trên tổng thu nhập giảm trong 9 tháng 2017 so với cùng kỳ 2016, nhưng lãi thuần lại tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiều ngân thu lãi từ cho vay tăng vượt trội so với cùng kỳ 2016. Nguyên nhân chính là các ngân hàng được nới room tín dụng khi kế hoạch tăng tín dụng cho năm 2017 là 18% tăng lên 21-22%.
9 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng khá cao. Cụ thể, SHB tăng 18%, MBB tăng gần 17%, Eximbank tăng 10,4%, ACB tăng 12,4%, Vietinbank tăng 15,3%…
Với mức tăng trưởng tín dụng cao, lãi thuần từ cho vay của nhiều cũng tăng mạnh trong 9 tháng 2017 so với 9 tháng 2016, TPB đã tăng tới 54%, MBB và KienLongBank tăng 40%, VPBank tăng 41%, BIDV và Sacombank khoảng 38%…
Riêng Eximbank lại giảm tăng thu từ lãi vay tới 17%, khiến tỷ trong lãi từ cho vay giảm còn 77% trong 9 tháng 2017 so với mức gần 85% cùng kỳ 2016.
Như vậy, kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng 2017 của ngành ngân hàng vẫn cho thấy: tín dụng tăng cao – ngân hàng lãi nhiều.