Chính sách hoàn thuế VAT cho du khách nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng từ năm 2012 đến nay hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như xu hướng phát triển của thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai chưa thật sự mang lại hiệu quả.
Các đại biểu tham dự hội thảo “Giải pháp tăng cường hiệu quả chính sách hoàn thuế cho du khách, kích cầu du lịch Việt Nam”, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã nhận xét như vậy.
Chính sách chưa được như mong đợi
Theo LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu là từ phía doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế và cơ quan quản lý thuế. Ông Hậu cho rằng, phần doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế đều chưa thực hiện nghĩa vụ cập nhật thông tin hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế vào hệ thống hoàn thuế điện tử, dẫn đến các cơ quan phải nhập dữ liệu bằng phương pháp thủ công, dễ có sai sót. Nhân viên bán hàng chưa nắm rõ các quy định về hoàn thuế VAT nên chưa truyền đạt cho khách hàng.
“Việc thiếu các khẩu ngữ, hướng dẫn về quyền của người nước ngoài khi được hoàn thuế VAT khi mua sắm tại Việt Nam… đã làm người nước ngoài dễ lầm tưởng Việt Nam không thực hiện chính sách hoàn thuế VAT khi du lịch mua sắm như các quốc gia khác trên thế giới”, ông Hậu phân tích.
Chuyên gia phân tích tài chính TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, Việt Nam chưa dành địa điểm mua sắm riêng cho du khách, nên họ chi xài rất ít. Nhiều khi càng tăng đón du khách thì phí tổn hạ tầng, môi trường càng tăng mà giá trị gia tăng không được bao nhiêu. “Các doanh nghiệp bán hàng cho du khách không thích “ra gió”, không thích hoàn thuế vì không muốn khai báo kế toán!”, TS. Hiển nhận định.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2004, mức chi tiêu của du khách bình quân tại Việt Nam là 1.283,3 USD (ở Thái Lan là 1.865 USD, Singapore là 2.670 USD…). Trong tổng số chi tiêu đó, chi tiêu cho mua sắm còn khá thấp, trung bình chỉ 16,6%, trong khi con số tương ứng ở Thái Lan là 19,6%, ở Singapore là 22,3%.
Số liệu điều tra tương ứng của Tổng cục Du lịch vào năm 2014 (10 năm sau) cũng không chênh lệch là bao. Chi tiêu trung bình của một du khách là 1.114,4 USD, trong đó chi mua sắm chiếm 18,3%. Điều này có nghĩa là bao nhiêu quảng bá, truyền thông cho du lịch thì du khách đến Việt Nam vẫn không tiêu tiền bao nhiêu.
Điều gì ảnh hưởng đến chính sách hoàn thuế?
Theo các chuyên gia tài chính, chính hàng giả và giá ảo đã và đang ảnh hưởng đến chính sách hoàn thuế VAT cho khách nước ngoài.
Từ khi triển khai chính sách hoàn thuế VAT (2012) đến nay, đặc biệt là ngày 30/4/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72 quy định về việc hoàn thuế VAT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh, hiệu quả còn hạn chế. Số doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế VAT và số tiền thuế được hoàn cho người nước ngoài còn ít.
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên phó Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Nghiên cứu phát triển – HIDS), mua sắm là một hoạt động trong chuỗi giá trị du lịch của du khách. .
Mặc dù Bộ Tài chính có quy định về niêm yết giá bán trên thị trường nhưng tình trạng cùng một mặt hàng đầu chợ một giá, giữa chợ một giá, cuối chợ một giá đang làm nản lòng du khách.
“Quyền lợi của du khách khi đi mua sắm chưa được bảo đảm khi hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên thị trường. Vụ Khaisilk vừa qua là một ví dụ điển hình”, ông Lương nhận xét. Có một thực tế khá nghịch lý là, hiện nay doanh nghiệp tham gia bán hàng hoàn thuế thì ế ẩm.
Ngược lại doanh nghiệp bán được hàng lại không tham gia. Nhiều điểm bán hàng nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh được du khách quốc tế ưa chuộng mua khá nhiều như: sơn mài, thủ công mỹ nghệ, áo dài…
Song hầu hết các cơ sở này là của tư nhân, hộ cá thể, gia đình nên không đáp ứng được điều kiện để được công nhận điểm bán hàng hoàn thuế VAT. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế phát hành hóa đơn kiêm tờ khai hoàn thuế VAT vẫn còn mắc một số lỗi cơ bản khi thể hiện các tiêu chí trên hóa đơn khiến du khách gặp khó khăn khi hoàn thuế.
Dẫn số liệu từ hải quan, ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: từ ngày 1/7/2012 đến nay, mỗi năm số người và số tiền thuế được hoàn có tăng.
Ví dụ năm 2013 có khoảng 5.000 lượt người được hoàn với tổng số thuế được hoàn trên 19 tỷ đồng. Đến năm 2016, số người được hoàn trên 5.000 lượt người, số thuế được hoàn trên 29 tỷ đồng. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2017, có trên 6.700 lượt hành khách làm thủ tục hoàn thuế, với tổng số thuế hoàn trên 31 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Bình nếu tính theo tỷ lệ khách xuất cảnh thì số lượng người được hoàn thuế còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 1/1.000, Nghĩa là 1.000 người xuất cảnh mới chỉ có 1 người hoàn thuế VAT. “Để tạo thuận lợi cho việc hoàn thuế VAT, cần phải hiện đại hóa hồ sơ hoàn thuế, kết nối dữ liệu điện tử giữa nơi bán hàng, cơ quan hải quan, ngân hàng. Từ đó sẽ tạo thuận lợi khách hàng và cơ quan quản lý”, ông Bình đề xuất.