Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng nay , 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề, không thể chủ quan, cần nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Nhất trí với các ý kiến, giải pháp được nêu ra tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh phải tổ chức thực hiện tốt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. – Ảnh: Thống Nhất
Tại cuộc họp diễn ra trong gần 5 tiếng đồng hồ, kết thúc vào gần 1h chiều, Thường trực Chính phủ đã rà soát lại từng mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực để xem xét khả năng, mức độ hoàn thành, các vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.
Ý kiến các bộ, tập đoàn, tổng công ty đều cho biết có thể hoàn thành kịch bản đề ra đối với ngành, lĩnh vực của mình. Ngành nông nghiệp có khả năng đạt tăng trưởng cả năm trên 3% với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt trên 12%. Ngành du lịch khẳng định có thể đạt mức tăng trưởng trên 30%, đạt 13-15 triệu khách quốc tế. Ngành dệt may cam kết nỗ lực đạt tăng trưởng trên 10%, với mục tiêu xuất khẩu trên 30 tỷ USD.
Ghi nhận cam kết của các bộ, tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước quyết tâm chính trị, giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực.
“Mấy hôm nay, tôi rất lo về một số lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng, công nghệ chế biến, chế tạo nhưng đến nay thì trong phạm vi toàn ngành, các đồng chí đều có thể bù đắp được sản lượng, sản phẩm bị hụt để bảo đảm giá trị tăng trưởng trong toàn ngành”, Thủ tướng nói. Ví dụ trong ngành Công Thương, có thể có sản phẩm bị hụt sản lượng nhưng sản phẩm khác có thể tăng, nên giá trị sản xuất toàn ngành vẫn bảo đảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến khó lường, thời tiết thất thường. Do đó, không thể chủ quan, cần nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Nhất trí với các ý kiến, giải pháp được nêu ra tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh phải tổ chức thực hiện tốt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra.
Các ý kiến đều khẳng định phải tập trung tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả những chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình khác cũng cần đẩy mạnh. Thủ tướng nhắc lại tinh thần giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại… Đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là thể chế.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành các công cụ tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế-xã hội hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu đôn đốc, kiểm tra và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý. “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, sẽ tổ chức một số cuộc họp chuyên đề để giải quyết một số vấn đề nêu ra hôm nay, nhất là vấn đề thuế, phí của một số ngành sản xuất, quỹ xúc tiến du lịch, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm…
Thủ tướng cũng nhất trí các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng nội địa, giảm khó khăn, rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn.
Giải ngân vốn đầu tư là vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt 34-35% GDP.
Thủ tướng yêu cầu quản lý tốt thu ngân sách, tiết kiệm chi. Tăng xuất khẩu (vượt mức 205 tỷ USD trong năm 2017). Tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, đặc biệt là du lịch. Tập trung chỉ đạo đối với các mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm, giảm kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu. Có biện pháp giảm nhập khẩu, nhất là có hàng rào kỹ thuật cần thiết, đúng pháp luật. Đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước chất lượng tốt để thay thế hàng nhập khẩu. Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản phẩm trong nước.
“Chúng ta cố gắng triển khai đồng bộ, có tổ chức, kiểm tra thường xuyên và tổ chức công việc mà các bộ, tập đoàn nêu ra hôm nay bằng chương trình hành động hết sức cụ thể”, Thủ tướng đề nghị. “Những lời phát biểu của các đồng chí thể hiện quyết tâm hành động nhưng phải có giải pháp kèm theo và đôn đốc kiểm tra liên tục”.