Đến hẹn lại xin…
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một số NH cho biết, họ đã sử dụng hết hoặc gần hết hạn mức tín dụng được NHNN cấp (tối đa chỉ là 16% thay vì 18%). Như 6 tháng đầu năm, tín dụng VPBank đã tăng 12%, room tín dụng NH này chỉ còn 4%…
Tổng giám đốc một NHTMCP trong TP. Hồ Chí Minh cho hay, cách đây vài tuần, NH này đã gửi văn bản lên NHNN để xin cấp thêm quota tín dụng giờ đang hồi hộp chờ xem được phê duyệt tăng bao nhiêu. Vì không phải cứ xin là được NHNN chấp thuận. Bởi NHNN còn phải cân đối chung trong toàn Ngành. Trong thời gian chờ đợi NH đang phải xoay vòng vốn, kiểm soát chặt dòng tiền ra vào. Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank TS. Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ, NH cũng vừa gửi văn bản xin nới room tín dụng và đang chờ kết quả.
Nếu không kiểm soát chặt, dòng vốn bơm ra sẽ lại đổ vào các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán
Việc xin cấp thêm room tín dụng đã diễn ra trong vài năm gần đây khi NHNN chính thức áp dụng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho từng nhóm NH. Trước đây mức độ chênh lệch room tín dụng giữa các nhóm NH khá cao, khiến các NH quy mô nhỏ đã khó càng khó hơn. Vì nếu tính số tăng tuyệt đối thì đối với những NH quy mô lớn, mức TTTD 1% có thể bằng 4-5% thậm chí cao hơn nhiều so với NH nhỏ. Nhưng nay, trừ những NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì có hạn mức riêng, còn lại NHNN đều giao chỉ tiêu chung, như năm 2017 là 16%. Việc điều chỉnh cùng mặt bằng room tín dụng đối với các NH hoạt động lành mạnh là sự linh hoạt của NHNN.
Tuy cũng đang bị kẹt room tín dụng, nhưng Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng thừa nhận, những điều chỉnh chính sách của NHNN vừa qua rất hợp lý. “Ở góc độ kinh doanh đương nhiên là NH muốn thuận lợi về chính sách để hoạt động thoải mái hơn. Nhưng ở góc độ quản lý cần phải đánh giá trên toàn cục. Và việc duy trì room tín dụng cũng như sự thận trọng cấp tín dụng của cơ quan điều hành là cần thiết tránh trường hợp quay trở lại tăng trưởng nóng gây hậu quả lâu dài”, ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Sự chặt chẽ này cũng giúp cho các NH chủ động điều tiết tín dụng, không tăng trưởng dàn hàng ngang mà có sự ưu tiên hoặc khắt khe hơn trong triển khai chiến lược kinh doanh, khung quản lý rủi ro của NH.
“Giai đoạn trước các NH xài gần hết room mới bắt đầu xin thêm. Nay, chúng tôi xin sớm và dự trù vốn đầy đủ cho khách hàng trong khoảng thời gian chờ đợi”, lãnh đạo một NH chia sẻ thêm. Nhưng vị lãnh đạo này cũng thừa nhận tuy đã khá chủ động trong điều tiết tín dụng nhưng việc đàm phán với khách hàng đến hạn giải ngân cũng khá vất vả chứ không dễ dàng gì. Vì vậy, việc ép trong vòng 1-2 tháng liên tục NH không tăng đồng vốn vay nào phải rất có kinh nghiệm.
Hiện nhiều NH đang mong ngóng room tín dụng. Bởi những tháng cuối năm là khoảng thời gian nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao do vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm cũng như chi tiêu của người dân tăng mạnh, tạo cơ hội cho NH mở rộng thị phần tín dụng, tăng thu lợi nhuận lớn.
Lên kịch bản mới cho tín dụng
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng, cho hay, tính đến 15/8, tín dụng tăng trưởng đạt mức 9,68%. Nếu so với kế hoạch đầu năm đề ra TTTD ở mức 16 – 18% thì mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được. Việc TTTD thuận lợi trong thời gian qua theo đánh giá của các chuyên gia NH là một trong những động lực để Chính phủ kỳ vọng mở rộng thêm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Tại Thông cáo báo chí mới nhất của Văn phòng Chính phủ về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc các cơ quan Chính phủ thực hiện giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2017. Trong đó, nội dung đáng quan tâm là đặt vấn đề Thống đốc NHNN kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt, đảm bảo TTTD trên 20%.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã định hướng chỉ tiêu này năm nay cần đạt khoảng 20%, thay vì mức 18% mà NHNN dự tính và cân đối từ đầu năm. Việc đẩy mạnh và nâng cao mức TTTD là một trong các biện pháp mà Chính phủ tập trung thúc đẩy để quyết tâm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6,7%.
Có thể thấy, tại thời điểm này, Thủ tướng kiên định với những chỉ đạo hành chính đã đưa ra khi chỉ còn hơn 4 tháng nữa là năm 2017 kết thúc. Thử dự tính, theo quy mô tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức khoảng 5,5 triệu tỷ đồng vào cuối 2016, ứng với mức tăng trưởng giả thiết 22% cho cả năm, nghĩa là có thể thêm khoảng 1,21 triệu tỷ đồng tăng thêm năm nay. Đến giữa tháng 8/2017, tín dụng tăng khoảng gần 9,7%, nếu theo định hướng tăng trưởng 22%, sẽ còn khoảng hơn 0,7 triệu tỷ đồng tăng thêm trong những tháng còn lại của năm. So với kế hoạch dự tính ban đầu của NHNN, thì lượng vốn cho vay tăng thêm là khoảng hơn 220 nghìn tỷ đồng. Bài toán đặt ra ở cả hai chiều là huy động và tín dụng.
Tham vấn về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, tuy nguồn vốn trong hệ thống NH đang dồi dào, đồng thời dự kiến sẽ có nguồn vốn bổ sung khi “cục máu đông” nợ xấu được khơi thông, song tổng nguồn vốn huy động chưa chắc đã đủ đáp ứng cầu tín dụng. Điều này, sẽ tác động đến thanh khoản của hệ thống NH. Theo gợi ý của một số chuyên gia, để gỡ khó cho các NH, NHNN có thể mở rộng cung tiền qua kênh tái cấp vốn với kỳ hạn đủ dài, đồng thời tạm nới lỏng các tỷ lệ an toàn để các NHTM mạnh dạn đẩy mạnh tín dụng trung dài hạn.
Với mức tăng trưởng như hiện nay, theo đánh giá của TS. Nguyễn Thị Mùi, mục tiêu TTTD là 21- 22% cũng dễ đạt được. Chỉ có điều TTTD phải đi đôi với chất lượng tăng trưởng. Vấn đề nữa đặt ra ở đây là tăng trưởng vào đâu để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Thực tế, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng khá chậm. Trong bối cảnh sản xuất mới chỉ phục hồi ở mức độ vừa phải, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: NHNN, cụ thể hơn là Cơ quan Thanh tra giám sát NH phải giám sát, kiểm soát tín dụng để dòng vốn đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải đầu cơ. Nếu không kiểm soát chặt, dòng vốn bơm ra sẽ lại đổ vào các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán…
Về phía NHNN, lãnh đạo vụ cục cho biết, chỉ tiêu hơn 20% là định hướng của Chính phủ chứ không phải chỉ tiêu pháp lệnh. Mặt khác, NHNN chủ động xây dựng các kịch bản TTTD từ nay đến cuối năm với mốc 22% theo hướng vừa đảm bảo tăng trưởng nhưng vẫn hạn chế tối đa tác động mạnh đến lạm phát và tỷ giá.